Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số cơ chế đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng

11/07/2016 - 21:21
Một góc thành phố Đà Nẵng (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 50, chiều ngày 11-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, nhằm tạo điều kiện, tăng tính “đột phá” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng; Chính phủ nhận thấy cần ban hành Nghị định quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Tại phiên họp này, Chính phủ xin ý kiến UBTVQH về hai vấn đề: về tổng mức huy động vốn đầu tư trong nước không vượt quá 100% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản; ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%.

Cụ thể, về tổng mức huy động vốn đầu tư trong nước không vượt quá 100% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), Chính phủ nêu rõ, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành (khoản 3 Điều 8), mức huy động tối đa của các địa phương không vượt quá 30% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Riêng thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, mức huy động vốn đầu tư trong nước của 02 thành phố theo cơ chế đặc thù: thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 150%.

Do nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển của thành phố Đà Nẵng rất lớn và việc sử dụng nguồn vốn đầu tư huy động có hiệu quả vì vậy, Chính phủ đề nghị nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% lên 100%. Khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước mới (Mức dư nợ vay tối đa không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp khoảng 3.000 tỷ đồng);           

Vấn đề thứ hai được xin ý kiến là về ngân sách Trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho Thành phố tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 (hiện hành): Về thưởng các khoản thu phân chia (Điều 59): hàng năm, trong trường hợp có số tăng thu NSTW so với dự toán từ các khoản thu phân chia, các địa phương được thưởng 30% số vượt dự toán thu đối với các khoản thu phân chia giữa NSTW với ngân sách địa phương.

Đối với cấp lại từ khoản tăng thu so với dự toán về các khoản thu phân chia giữa NSTW với ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) và các khoản thu NSTW 100%: Theo quy định hiện hành (cơ chế tài chính ngân sách đặc thù), thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ngoài thưởng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, 2 thành phố còn được NSTW bổ sung có mục tiêu tương ứng 100% (thành phố Hà Nội) và 70% (thành phố Hồ Chí Minh) số tăng thu NSTW so với dự toán về các khoản thu phân chia (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) và số tăng thu NSTW về các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% (không kể khoản thu: thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu; các khoản thu không phát sinh trên địa bàn Thành phố mà chỉ hạch toán ở Thành phố; các khoản hạch toán ghi thu, ghi chi và các khoản thu được để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật). Thành phố Đà nẵng không được hưởng cơ chế bổ sung có mục tiêu tương ứng số vượt thu này.

Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định: NSTW bổ sung có mục tiêu tương ứng 70% số tăng thu các khoản thu phân chia giữa NSTW và ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) và phần vượt thu các khoản  thu NSTW hưởng 100%.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách đối với Đà Nẵng. Tuy nhiên, một ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, hạn chế ban hành những quy định về cơ chế đặc thù với nhiều tỉnh, Thành phố vì sẽ tạo nên sự không công bằng giữa các địa phương.

Với các đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu... cho rằng việc nâng mức trần dư nợ từ 30% vốn đầu tư XDCB trong nước của Thành phố lên 100% là mức nâng khá lớn, cần được xem xét, tính toán và cân nhắc đến khả năng trả nợ của địa phương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, “Chúng ta đang kiểm soát nợ công, Đà Nẵng cũng phải giữ cho được Nghị quyết của Quốc hội, còn sau khi thực hiện luật mà các đồng chí thực hiện tốt, huy động tốt, trả nợ tốt, đầu tư tốt thì sẽ xem xét lại chứ chúng ta không nên vung tay quá nhiều”.

Về ưu đãi bổ sung có mục tiêu, cơ quan thẩm tra dự thảo là Ủy ban Tài chính – Ngân sách và nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, trong điều kiện áp dụng các tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã loại bỏ căn bản các ưu tiên tính điểm cho các địa phương điều tiết về NSTW, dẫn đến vốn đầu tư phát triển của các địa phương này bị giảm nhiều thì việc quy định cụ thể tỷ lệ bổ sung có mục tiêu từ NSTW là cần thiết và áp dụng từ năm ngân sách 2017, đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH đồng tình với cơ chế tỷ lệ thưởng vượt thu cho Thành phố tương ứng 70% số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa NSTW và Ngân sách địa phương còn lại.

Với huy động vốn đầu tư, UBTVQH thống nhất cho phép Đà Nẵng được huy động vốn không quá 40% số thu ngân sách mà thành phố Đà Nẵng được hưởng.

Về các cơ chế phân cấp khác, UBTVQH đề nghị Chính phủ thực hiện theo đúng tinh thần các luật hiện hành.

UBTVQH thống nhất Nghị định này sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2017 và theo đúng tinh thần của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Cuối cùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện lại dự thảo nghị định và gửi xin ý kiến các thành viên UBTVQH và tổng hợp cho ý kiến trước ngày 20-7.

Theo ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN