Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp

06/12/2024 - 15:45

BDK.VN - Sáng 6-12-2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị toàn thể ISG 2024 “Định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2026 - 2030”. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thắm chủ trì điểm cầu tỉnh dự hội nghị.

Chủ trì điểm cầu tỉnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã phê duyệt, ký kết 5 chương trình, dự án vốn vay được thực hiện với tổng giá trị là 826 triệu USD, bao gồm 662 triệu USD vốn vay.

Giai đoạn 2021 - 2025 chủ yếu thực hiện công tác đề xuất, chuẩn bị các dự án mới, chưa có Hiệp định vay nào được ký kết. Tổng vốn vay dự kiến cho các dự án mới đang chuẩn bị khoảng 2 tỷ USD, vốn không hoàn lại khoảng 58 triệu USD, vốn đối ứng khoảng 478 triệu USD. Trong đó, có 5 dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án với tổng số vốn vay khoảng 750 triệu USD.

Tỷ lệ nguồn vốn ODA trong tổng số nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ có thời điểm xấp xỉ 50%. Hầu hết vốn vay ODA đã được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm,… Hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực cho ngành từ Trung ương đến địa phương.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là sự kiện cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đối tác nước ngoài để cùng trao đổi, chia sẻ các định hướng chính sách, các ưu tiên của hai bên nhằm đẩy mạnh hợp tác và tăng cường điều phối các nguồn lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng nêu thực tế, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và không còn được hưởng mức lãi suất thấp, số lượng dự án và giá trị nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp đã giảm đi rõ rệt, cùng với đó là các hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn không hoàn lại cũng giảm. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kể từ năm 2019 đến nay, chưa dự án mới nào được đàm phán, ký kết.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, trao đổi về những kết quả đạt được trong sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn; đồng thời đề xuất và định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2026 - 2030.

Tin, ảnh: Huyền Trang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN