Ứng viên Steve Scalise tuyên bố rút khỏi cuộc đua giành ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ

13/10/2023 - 10:58

Ứng viên vừa giành được đề cử của đảng Cộng hoà cho vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong ngày 11-10-2023 Steve Scalise tuyên bố ông sẽ rút khỏi cuộc đua.


Lãnh đạo đa số tại Hạ viện Mỹ Steve Scalise, ứng viên được các nghị sĩ Cộng hòa đề cử cho chức Chủ tịch Hạ viện, phát biểu tại Washington D.C. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố trên được đưa ra trong một cuộc họp kín của đảng Cộng hoà diễn ra vào ngày 12-10-2023.

Trước đó, phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Mỹ đã đề cử ông Steve Scalise làm Chủ tịch cơ quan lập pháp này sau khi ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm vào tuần trước.

Đảng Cộng hòa đã chọn ông Scalise, người đứng thứ 2 trong thứ bậc lãnh đạo của đảng Cộng hòa, thay vì Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan. Các nhà lập pháp cho biết số phiếu ủng hộ ông Scalise là 113 và 99 đối với ông Jordan.

Cùng ngày, Hạ viện Mỹ cũng hoãn bầu chọn Chủ tịch mới thay thế ông Kevin McCarthy. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra chiều 11/10 (giờ Mỹ) nhưng đã bị hủy bỏ và chưa có thông tin chính thức về các bước tiếp theo trong bối cảnh Hạ viện Mỹ chưa có người đứng đầu.

Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Mỹ chưa thể chắc chắn toàn bộ nghị sĩ đảng này sẽ bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên Steve Scalise làm chủ tịch kế tiếp.

Trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện, ứng viên được đề cử cần có được sự ủng hộ của toàn bộ Hạ nghị sĩ Cộng hòa để có thể đảm bảo đạt đa số 217 phiếu khi mà đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với đa số mong manh 221-212. Phía Đảng Dân Chủ được cho là sẽ bỏ phiếu phản đối ứng viên của đảng Cộng hòa để tiện đường đề xuất ứng viên là Hạ nghị sĩ Dân chủ Hakeem Jeffries.

Không loại trừ khả năng Hạ viện Mỹ sẽ phải tiến hành bỏ phiếu nhiều lần, vì ông McCarthy từng trải qua 15 vòng bỏ phiếu trong 4 ngày trước khi giành được chiếc ghế Chủ tịch cơ quan này hồi tháng 1 năm nay.

Trong cuộc đua nội bộ để giành quyền đề cử, ông Scalise đã cam kết sẽ đoàn kết các thành viên trong đảng, tìm kiếm phương thức hòa giải nhằm tránh nguy cơ chia rẽ nội bộ, gây căng thẳng bất lợi cho hoạt động lập pháp tại Hạ viện.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN