Ứng dụng hệ thống tự động trong canh tác nông nghiệp

28/07/2023 - 06:28

BDK - Anh Đặng Thanh Giang, 38 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 6, ấp Thiện Mỹ, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách đã chủ động đầu tư hệ thống tưới nước tự động hơn 8 năm và phun thuốc tự động được 5 năm; xây dựng đê bao khép kín trên 20 năm trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ cùng ứng phó hạn mặn của anh Giang đã phát huy hiệu quả, tạo thu nhập ổn định trong canh tác sầu riêng cho gia đình.

Anh Đặng Thanh Giang bên hệ thống tưới nước tự động vườn sầu riêng của gia đình.

Hiện tại, anh Giang đang canh tác 4.000m2  trồng cây sầu riêng đã hơn 10 năm tuổi. 1.000m2 chuyên sản xuất cây giống sầu riêng. Toàn bộ 5.000m2 đất do gia đình cho. Năm 2000, anh Giang đầu tư kinh phí 20 triệu đồng để xây dựng đê bao khép kín xung quanh diện tích canh tác nông nghiệp của gia đình đê ngăn mặn quanh vườn sầu riêng. Hiện tại, mặt đê 1m, chân đê 2,5m ngang và cao hơn 2m so với chân đê.

Năm 2015, anh Giang đầu tư chi phí hơn 3 triệu đồng/1.000m2 đất để lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho toàn diện tích. Đến năm 2018, anh đầu tư thêm hệ thống phun thuốc tự động vận hành thông qua điều khiển từ xa remote Decom (tần số 433MHZ), với chi phí đầu tư 5,5 triệu đồng/1.000m2 cho 4.000m2 vườn sầu riêng. 1.000m2 sản xuất cây giống sầu riêng, anh Giang lắp đặt hệ thống tưới nước tự động bằng ống nhựa có gắn vòi tự động xoay 3600, khoảng cách lắp đặt giữa 2 ống nước tự động 4,5m.

Tại nơi tập trung nguồn nước đầu vào, anh Giang thiết kế van riêng hệ thống tưới nước tự động cho vườn. Hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động cho vườn sầu riêng, anh Giang sử dụng ống nhựa dai đen quanh gốc và dẫn lên đọt. Với hệ thống tưới nước, anh bố trí 4 vòi phun tự động quanh gốc sầu riêng lớn và 2 vòi xung quanh gốc cây nhỏ chưa có thu hoạch. Khoảng cách giữa 2 vòi quanh gốc đang thu hoạch ngang 1,5m và dọc 2,5m, vòi cao tầm 0,6m được gắn béc phun 3600.

Hệ thống phun thuốc tự động, anh Giang dùng tương tự thiết bị như hệ thống tưới và được kết nối ống nhựa dai màu đen 6mm từ gốc đến đọt, gắn thêm ống nhôm dài khoảng 2m trên đọt cây có vòi xoay 3600; vận hành hệ thống từ xa thông qua hệ thống remote.

Theo anh Giang, chi phí đầu tư canh tác 4.000m2 sầu riêng từ 150 - 200 triệu đồng/năm; thu hoạch 10 tấn/năm, thu lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/năm khi bỏ ra mọi chi phí đầu tư canh tác. Hàng tháng, điện năng tiêu thụ phục vụ công tác vận hành hệ thống tưới tự động từ 350 - 400 ngàn đồng. Nếu không có hệ thống tự động thì anh phải thuê nhân công tưới và phun thuốc tầm 4,5 triệu đồng/tháng. Vào mùa nắng (từ 2 - 3 ngày), anh Giang cho vận hành hệ thống tưới nước tự động với thời gian hoạt động 1 giờ cho diện tích vườn nhà; phun thuốc bằng hệ thống tự động cho đọt 1 tuần/lần đến khi đọt sầu riêng già thì ngưng phun.

Chủ tịch UBND xã Tân Thiềng Trương Văn Bo cho biết: Hiện nay, người dân địa phương tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân phát triển kinh tế. Cụ thể, người dân địa phương đã ứng dụng trong việc tưới tiêu hay phun thuốc cho cây trái bằng hệ thống tự động thông qua điều khiển từ xa. Địa phương luôn phối hợp ban, ngành, đoàn thể cùng các đơn vị có liên quan cấp trên mở các lớp tập huấn, hội thảo hay hội nghị để hỗ trợ người dân ở địa phương.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN