BDK - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng thể hiện vai trò trên nhiều lĩnh vực đời sống. Đối với báo chí cũng không ngoại lệ. Sự xuất hiện của AI mang đến cho lĩnh vực báo chí những cơ hội to lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.
Hình ảnh được tạo từ AI của nền tảng Firefly (ADOBE) với từ khóa “phóng viên và công nghệ số”.
Theo các chuyên gia nhận định, mối quan hệ giữa AI với báo chí trước hết có thể nói đó là sự hợp tác đầy tiềm năng. AI có thể hỗ trợ đắc lực cho nhà báo trong nhiều khía cạnh, từ việc thu thập thông tin, phân tích dữ liệu đến việc tạo nội dung và phân phối tin tức.
Thu thập thông tin: AI có thể tự động quét qua hàng loạt dữ liệu, gồm: mạng xã hội, trang web và các nguồn tin khác, để tìm kiếm thông tin mang tính gợi mở cho một chủ đề nhất định. Cùng với đó, AI có khả năng phân tích lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp nhà báo nhận ra những xu hướng, mô hình và mối liên hệ tiềm ẩn mà họ có thể bỏ qua. AI còn có thể được sử dụng như là công cụ để tạo ra các bài viết, tóm tắt, infographic và các dạng nội dung khác. Điều này giúp nhà báo tập trung vào những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy cao hơn. Ví dụ như: Khi người viết bắt đầu bài viết này đã thử sử dụng nền tảng Gemini để yêu cầu tạo một nội dung tham khảo, đánh giá về mối quan hệ giữa báo chí và trí tuệ nhân tạo. Gemini là một hệ mô hình ngôn ngữ lớn đa phương thức phát hành bởi Google DeepMind, đóng vai trò là một mô hình ngôn ngữ thay thế cho LaMDA và PaLM 2. Mô hình này, gồm: Gemini Ultra, Gemini Pro và Gemini Nano (công bố vào tháng 6-2023) và được định vị là đối thủ cạnh tranh của GPT-4 của OpenAI. Kết quả nhận được sau yêu cầu tạo nội dung chỉ khoảng 15 giây là một bài viết phân tích 600 chữ, đề cập cả những mặt lợi ích và thách thức trong việc nhà báo sử dụng trí tuệ nhân tạo để tác nghiệp.
Bên cạnh những lợi ích, AI cũng đặt ra một số thách thức cho ngành báo chí. Thứ nhất, thiếu tính chính xác. Qua những lần thử nghiệm tạo nội dung, người viết nhận thấy, AI có thể mắc sai sót trong việc thu thập và phân tích thông tin, dẫn đến việc đưa tin sai lệch. Do đó, nhà báo cần cẩn trọng khi sử dụng AI và luôn phải kiểm tra lại thông tin trước khi đăng tải. Nguyên nhân của điều này chính là vì dữ liệu AI thu thập được cũng là dữ liệu do con người cung cấp, tiếp nạp. Trong khi đó, AI chỉ là công cụ có khả năng tổng hợp dữ liệu chứ chưa thật sự có thể kiểm chứng độ chính xác của thông tin. Những nội dung, thông tin mang tính địa phương, cá biệt, ít phổ quát thì AI cung cấp dữ liệu càng dễ sai lệch, nhầm lẫn. Bên cạnh đó, chính vì chỉ là công cụ nhân tạo nên dù AI có thể tạo ra nội dung một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn sự sáng tạo của con người. Nội dung do AI tạo ra có thể thiếu đi sự độc đáo và chiều sâu, dẫn đến việc nhàm chán cho người đọc.
Thời gian qua, Báo Đồng Khởi đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức. Đặc biệt, Báo đã ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất tin bài, nhằm tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao, bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.
Chị Võ Thị Mỹ Hạnh - Phó trưởng phòng Thư ký tòa soạn, phụ trách báo điện tử cho biết: Báo Đồng Khởi đã ứng dụng công nghệ AI để đọc các bản tin thời sự hàng ngày, tạo ra các sản phẩm Podcast, infographic. Ngoài ra, AI có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu từ các bài viết, tin tức nhằm tạo ra các tiêu đề và mô tả hấp dẫn, thu hút người đọc; giúp tối ưu hóa nội dung tin tức, bài viết để bạn đọc dễ tìm kiếm xem nhiều hơn. AI còn được sử dụng để phân tích xu hướng trải nghiệm của người dùng để đưa ra thông tin chi tiết về các chủ đề được nhiều người quan tâm và sở thích của độc giả.
Như vậy có thể thấy, AI là một công cụ mạnh mẽ có thể mang lại nhiều lợi ích cho ngành báo chí. AI có thể hỗ trợ nhà báo trong nhiều khía cạnh, giúp họ làm việc hiệu quả hơn và đưa ra những bài viết chất lượng hơn. Điều cần lưu ý nhà báo cần cẩn trọng khi sử dụng AI và luôn phải đề cao tính chính xác, sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp của mình.