Nông dân thu hoạch lúa mì tại Mykolaiv, Ukraine. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tuyên bố của EC nêu rõ những biện pháp nói trên nhằm giảm tắc nghẽn về hậu cần liên quan đến những nông sản này tại Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Đây là các biện pháp phòng ngừa đặc biệt và tạm thời đối với việc nhập khẩu một số lượng hạn chế các sản phẩm từ Ukraine. Các biện pháp này chỉ liên quan đến 4 loại nông sản là lúa mỳ, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương, có nguồn gốc tại Ukraine.
Từ tháng 5-2022, EU cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc dự trữ qua khối này sau khi các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đen bị phong tỏa do cuộc xung đột với Nga. Theo đó, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã trở thành các quốc gia trung chuyển ngũ cốc Ukraine. Các nước này đồng ý nhập khẩu một số sản phẩm từ Ukraine mà không hạn chế về số lượng, không làm thủ tục hải quan, không bị đánh thuế và kiểm tra chính thức. Tuy nhiên, nhiều nước cáo buộc tỷ lệ lớn hàng nông sản của Ukraine sau khi được đưa vào EU đã không được xuất khẩu tiếp mà bị bán phá giá trên thị trường, nhất là tại các nước Trung và Đông Âu. Thực tế này đã dẫn tới việc nhiều nước gần đây đơn phương cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Ukraine để bảo vệ nhà sản xuất trong nước.
Trước sức ép gia tăng, mới đây EU tuyên bố sẽ chuẩn bị 100 triệu euro (109,32 triệu USD) để đền bù cho nông dân tại các nước có đường biên giới với Ukraine.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức