Tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận việc khai thác khoáng sản theo cơ chế đặc thù tại Chợ Lách
18/01/2025 - 20:27
BDK.VN - Ngày 17-1-2025, trên cơ sở đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Nga yêu cầu về việc ngừng triển khai hoạt động khai thác khoáng sản khu vực sông Tiền, xã Sơn Định, thị trấn Chợ Lách (đơn ký ngày 8-1-2025), UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND huyện Chợ Lách tổ chức buổi làm việc nhằm lắng nghe ý kiến của người dân và tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận việc khai thác khu vực khoáng sản theo cơ chế đặc thù.
Người dân trình bày ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Thạch Thảo
Buổi làm việc diễn ra tại trụ sở UBND thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách. Tham dự có, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang Lê Thanh Việt, Phó trưởng Công an huyện Chợ Lách Võ Văn Dứt.
Phía đơn vị thực hiện dự án “Khai thác cát san lấp tại lòng sông Tiền tại khu vực thuộc xã Sơn định và thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre” có Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam Vũ Đình Tân.
Cùng sự có mặt của khoảng 30 hộ dân ngụ 2 ấp Sơn Qui, Thới Định (thị trấn Chợ Lách) và ấp Tân Phú (xã Sơn Định), huyện Chợ Lách.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND huyện Chợ Lách thông tin về dự án “Khai thác cát san lấp tại lòng sông Tiền tại khu vực thuộc xã Sơn định và thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre” là 1 trong 4 khu vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo cơ chế đặc thù.
4 khu vực khoáng sản gồm: (1) Khu vực khoáng sản cát lòng sông Tiền thuộc xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trữ lượng 1.124.511m3. (2) Khu vực khoáng sản cát lòng sông Tiền thuộc xã Định Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, trữ lượng 787.728m3. (3) Khu vực khoáng sản cát lòng sông Tiền thuộc xã Sơn Định, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, trữ lượng 1.015.883m3. (4) Khu vực khoáng sản cát lòng sông Ba Lai đoạn thuộc xã Phong Nẫm, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm và xã Châu Hưng, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, trữ lượng 661.040m3.
Về khu vực khoáng sản cát lòng sông Tiền thuộc xã Sơn Định, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, trữ lượng 1.015.883m3, mục đích của việc khai thác cát khu vực này chỉ cung cấp cho dự án thành phần 3 thuộc dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Được biết, Sở Giao thông vận tải Hậu Giang là đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 thuộc dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đây là công trình giao thông trọng điểm phía Nam, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16-6-2022, với chiều dài hơn 188km.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện đơn vị thực hiện dự án “Khai thác cát san lấp tại lòng sông Tiền tại khu vực thuộc xã Sơn Định và thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre” là Công ty cổ phần Xây dựng và lắp máy Trung Nam đã đọc bản cam kết (bản cam kết với UBND tỉnh Bến Tre ký ngày 2-12-2024) dài 3 trang trước người dân. Bản cam kết có 10 nội dung, như (tóm sơ lược): chỉ khai thác ban ngày, khai thác đúng biên giới mỏ, chỉ khai thác để cung cấp cát cho công trình trọng điểm quốc gia là dự án thành phần 3 thuộc dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; hàng tháng sẽ có đo vẽ đánh giá tác động đối với kết cấu hạ tầng, công trình dọc bờ trong khu vực, tình hình sạt lở và thay đổi dòng chảy...
Đặc biệt, nội dung thứ 10 trong bản cam kết nêu rõ: “Cam kết trong thời gian khai thác và sau 1 năm kể từ khi kết thúc hoạt động khai thác, kết thúc cải tạo, phục hồi môi trường, nếu có xảy ra sự cố sạt lở, công ty sẽ phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre, đơn vị tư vấn đánh giá và người dân bị ảnh hưởng để thực hiện tìm hiểu nguyên nhân gây sạt lở, thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục sự cố. Trong trường hợp các cơ quan chức năng đánh giá sự cố sạt lở là do hoạt động của khai thác cát gây ra thì công ty cam kết sẽ chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả và có phương án hỗ trợ bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại”.
Về các ý kiến xoay quanh việc khai thác cát tại khu vực khoáng sản cát lòng sông Tiền thuộc xã Sơn Định, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, có 5 người dân trình bày, với tổng số 8 ý kiến. Nội dung trình bày của người dân là không đồng ý với việc khai thác cát tại khu vực này. Một số hộ dân ngụ ấp Sơn Qui, thị trấn Chợ Lách cho rằng, người dân bất an vì hiện tượng sạt lở đã xảy ra ở số đoạn bờ sông (phạm vi đất do Nhà nước quản lý, không phải đất của người dân).Có ý kiến cho rằng, khu vực khoáng sản này thường xuyên bị “cát tặc” bơm hút cát trộm, do đó, trữ lượng cát có thể đã sụt giảm, Nhà nước muốn khai thác cát, thì trước tiên phải chú trọng bảo tồn tài nguyên. Một số ý kiến trình bày nguyện vọng, để giữ đất của ông bà để lại và sự yên ổn của người dân không bị ảnh hưởng bởi sạt lở, chính quyền cần bảo đảm bằng một nguồn quỹ, nhằm mục đích hỗ trợ người dân ngay khi có sự cố sạt lở không mong muốn có thể xảy ra...
Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh giải đáp thắc mắc của người dân. Ảnh: Thạch Thảo
Phần giải trình đối với các ý kiến của người dân, Phó trưởng Công an huyện Chợ Lách Võ Văn Dứt cho biết: “Năm 2024, Công an huyện đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc tuần tra, kiểm soát, mật phục nhằm phòng chống khai thác khoảng sản trái phép. Qua đó, đã phát hiện 215 vụ khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép khoáng sản trên địa bàn huyện Chợ Lách; theo đó, có 282 đối tượng đã bị xử lý với tổng số tiền phạt trên 2 tỷ đồng; chuyển xử lý hình sự 1 đối tượng về cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh. Đầu năm 2025, Công an huyện Chợ Lách đã ban hành kế hoạch tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp phòng chống tội phạm nói chung và hành vi mua bán trái phép, tàng trữ, mua bán khoáng sản trái phép nói riêng. Chúng tôi luôn cố gắng thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, tiến hành tuần tra, kiểm soát để phát hiện và lập hồ sơ xử lý nhiều đối tượng, chứ không phải không làm...”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh nói: “Tôi ghi nhận bức xúc và lo lắng của bà con trước việc chuẩn bị khai thác cát sẽ làm ảnh hưởng đến nhà cửa, đất đai ven sông của người dân. Nhà nước và chính quyền địa phương cũng lo lắng, không mong muốn việc khai thác cát này làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phạm vi khai thác trong 47ha, bình quân khai thác độ sâu khoảng 2m đã đủ trữ lượng theo yêu cầu, chứ không hề lấy sâu. Khoảng cách khai thác cách bờ ven sông đến 200m, xà lan nào vào đều có camera giám sát hành trình... để đảm bảo không gây thiệt hại cho người dân”.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn và một số đại biểu, người dân tham dự buổi làm việc. Ảnh: Thạch Thảo
Thông tin với người dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn cho biết: “Mỏ cát ở Sơn Định là mỏ đã có trong quy hoạch của tỉnh, chứ không phải là mỏ ngẫu nhiên được khai thác. Trước khi mỏ cát Sơn Định được chỉ đạo đưa vào khai thác, đã có đơn vị đến khảo sát nhiều mỏ cát tại tỉnh và họ khẳng định, mỏ cát Sơn Định là đủ tiêu chuẩn để khai thác cung ứng cho việc làm đường cao tốc của quốc gia... Xin khẳng định, việc khai thác cát tại mỏ Sơn Định là khai thác có kiểm soát (còn khai thác trái phép thường xảy ra gần bờ cho dễ việc trộm cát và vận chuyển, từ đó dễ dẫn đến sạt lở bờ sông - PV). Về kinh phí làm kè là phải xin từ trung ương, vì kinh phí này rất cao, tỉnh không thể làm được, trung bình kinh phí xây dựng mỗi mét kè tốn kém hàng trăm triệu đồng... Có ý kiến hỏi, tại sao cát ở Bến Tre lại lấy đem đi phục vụ ở đâu, xin trả lời là do, Thủ tướng Chính phủ đã họp rất nhiều lần và chỉ định Bến Tre có nghĩa vụ cung ứng cát cho công trình quốc gia, bởi cát là tài nguyên của quốc gia, đực trung ương giao địa phương quản lý...”.
Kết thúc buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn cho hay, buổi làm việc được thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm mục đích để tỉnh lắng nghe ý kiến, nội dung phản ánh của người dân và để ngành chức năng giải thích những thắc mắc của người dân. Chính quyền mong bà con ủng hộ chủ trương này của Chính phủ, của tỉnh vì lợi ích quốc gia và của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền trả lời, ngành chức năng sẽ báo cáo về UBND tỉnh xem xét, có hướng giải quyết.