Giáo dục lịch sử và truyền thống, bài 1:

Tuyên truyền kết hợp tham quan về nguồn

22/07/2020 - 07:47

BDK - Xác định giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng thái độ tích cực cho thanh niên khối trường học là vấn đề xuyên suốt và chủ đạo. Đặc biệt, các cấp ngành và các tổ chức đoàn thể đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho thanh niên khối trường học về công tác đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn.

Tham quan, tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng. Ảnh: Thanh Đồng

Nâng cao nhận thức

Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XI, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn được tổ chức Đoàn thanh niên triển khai thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gắn với hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương, của Đảng, Đoàn. Qua đó, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức tự cường dân tộc cho thế hệ trẻ.

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020), nhiều đơn vị Đoàn cơ sở, các chi đoàn đã tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề “Tự hào tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” với nhiều hoạt động như xem phim tư liệu, tổ chức thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, tập trung triển khai tuyên truyền những nội dung, giá trị cốt lõi trong Di chúc của Bác, phát biểu những suy nghĩ và việc đoàn viên cần làm trong học tập và làm theo Bác...

Bí thư Thành Đoàn TP. Bến Tre Lê Anh Giàu cho biết, công tác tuyên truyền, giáo dục cho tuổi trẻ luôn được chú trọng đổi mới về hình thức, nội dung. Qua đó, nâng cao hiệu quả nhận thức trong đoàn viên, thanh thiếu nhi. Công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện bằng nhiều hình thức như nói chuyện truyền thống, hoạt động “Hành trình đến bảo tàng”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, hoạt động “Tìm hiểu danh nhân ngôi trường mang tên”…

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho học sinh. Nhất là trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, các trường đều tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, các chủ trương, đường lối, chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, sự trân trọng, biết ơn và chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn thể người dân đối với người có công với cách mạng.

Về nguồn các địa chỉ đỏ

Cùng với tuyên truyền, giáo dục bằng cách truyền tải kiến thức, thông tin, hoạt động chủ yếu dành cho đoàn viên, thanh thiếu niên là các chương trình về nguồn, tham quan các “địa chỉ đỏ” - các di tích lịch sử cách mạng tại địa phương.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên tặng quà cho gia đình chính sách. Ảnh: Tr.Xiện

 Bến Tre là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng và có truyền thống lịch sử văn hóa đầy tự hào. Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, truyền thống cách mạng như Di tích Đồng Khởi, chùa Tuyên Linh (Mỏ Cày Nam), Di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam và đường Hồ Chí Minh trên biển (Thạnh Phú), Di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Mỏ Cày Bắc), Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn (Châu Thành), Di tích Cây Da đôi - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh (Ba Tri)... là những điểm đến quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của đất nước. Đây cũng là những địa chỉ được các tổ chức đoàn, các trường học chọn làm điểm tham quan, về nguồn cho đoàn viên, học sinh.

Chị Trương Việt Trinh - Bí thư Xã Đoàn Tân Xuân (Ba Tri) cho biết, đơn vị thường chọn địa điểm tổ chức các hoạt động, tham quan, học tập ngay tại Di tích Cây Da đôi. Từ đó, góp phần giúp cho đoàn viên, thanh niên thêm hiểu và tự hào về truyền thống của xã nhà, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ.

Tại các trường học, ngoài các tiết học về lịch sử, nhiều trường đã lồng ghép giáo dục lịch sử và truyền thống. Điển hình như Trường THPT Phan Văn Trị (Giồng Trôm), công tác giáo dục cho đoàn viên, học sinh về truyền thống lịch sử nói chung đã được Ban Giám hiệu, Đoàn thanh niên đặc biệt chú trọng.

Chị Hồ Thị Phi Yến - Trợ lý Thanh niên Đoàn Trường THPT Phan Văn Trị cho biết, Đoàn trường đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào nhằm giáo dục truyền thống như: hoạt động về nguồn, thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng... Duy trì tổ chức “Thắp sáng ước mơ”, quyên góp quỹ học bổng và hỗ trợ cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Đồng thời, trường duy trì tổ chức hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu lịch sử, trong đó có tìm hiểu về nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị…

Gắn bó với hoạt động Đội và mới đây, em Bùi Dương Tường Vy, học sinh lớp 10T2, Trường THPT Ca Văn Thỉnh (Mỏ Cày Nam) có cơ hội tham gia nhiều chuyến về nguồn tại các địa chỉ đỏ trong tỉnh. “Đối với học sinh chúng em, các hoạt động về nguồn gắn với tham gia sinh hoạt Đoàn - Đội là vô cùng ý nghĩa và bổ ích. Không chỉ được học hiểu và biết một cách cụ thể về truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương mà thông qua các hoạt động, chúng em còn được giáo dục về nhân bản, rèn luyện kỹ năng sống để phát triển bản thân”, Tường Vy nói.

 Ngoài các điểm lịch sử trong tỉnh, một số Đoàn trường, các Đoàn cơ sở có điều kiện còn mở rộng hoạt động về nguồn ngoài tỉnh như: Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược (TP. Hồ Chí Minh), nhà tưởng niệm và tượng đài anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Mỗi chuyến đi đều đem lại những trải nghiệm mới cho đoàn viên, thanh thiếu niên, củng cố kiến thức đã học, vun bồi tình yêu quê hương đất nước, thêm tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh cho độc lập dân tộc.

Thông qua các hoạt động về nguồn, Đoàn cơ sở đã lồng ghép tuyên truyền trong đoàn viên, thanh thiếu nhi nâng cao ý thức chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phòng chống các tệ nạn xã hội, gương mẫu chấp hành các quy định về an toàn giao thông và các quy định khác.

Ph. Hân - Th. Đồng - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN