Tuyên dương danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” (tt)

14/01/2022 - 06:22

BDK - Ngày 11-1-2022, UBND tỉnh đã có quyết định tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” lần thứ hai - năm 2022 cho 11 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh.

Ông Trần Công Ngữ đã vận động kinh phí nhiều hoạt động chăm lo cho người nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi. (ảnh tư liệu)

* Ông Trần Công Ngữ (Vũ Hoàng) - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh (quê quán xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm).

Giai đoạn (1996 - 2005), với vai trò là Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông đã tham gia làm Trưởng ban Chỉ đạo của 25 ban trong khối văn hóa - xã hội; đề xuất và chủ trì triển khai thực hiện 2 chủ trương lớn của tỉnh, đó là xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở (làm nền tảng cho việc xây dựng nông thôn mới hiện nay); chương trình xóa đói giảm nghèo và thực hiện chính sách người có công. Đồng thời, tham gia đề xuất xây dựng trên 20 công trình văn hóa xã hội, trong đó có 2 di tích được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Sau khi nghỉ hưu, ông luôn tích cực góp ý, phản biện cho các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, với vai trò là Phó chủ tịch Thường trực rồi Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, ông đã cùng với tập thể hội vận động phẫu thuật được 1.199 ca tim, 27.585 ca trị giá trên 919 tỷ đồng.

Trong năm 2021, ông đã cùng các cấp hội vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, ủng hộ trang thiết bị y tế, hàng hóa, lương thực thực phẩm cho ngành y tế phòng chống dịch Covid-19, tổng trị giá gần 20 tỷ đồng.

* Bà Lê Thị Thanh Vân (Chín Thanh) - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh (quê quán xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú).

Bà Lê Thị Thanh Vân tại một buổi trao quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam. Ảnh tư liệu

Ngay từ khi còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho đến khi nghỉ hưu, tham gia Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ rồi đến Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, bà Lê Thị Thanh Vân luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, quan tâm, chăm lo cho những người yếu thế trong xã hội. Bà luôn thấu cảm với những gia đình có nạn nhân chất độc da cam dioxin, bởi họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Liên tục từ năm 2006 đến nay, bà Lê Thị Thanh Vân đã cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức nhiều chương trình, nhiều hoạt động để các cấp hội và cộng đồng cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Qua đó, không chỉ thể hiện tính nhân đạo, tương thân tương ái, vì những mảnh đời bất hạnh mà còn thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với đất nước, nêu cao truyền thống  “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam nói chung và người Bến Tre nói riêng.

Bà đã cùng tập thể hội huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua việc vận động tiền mặt, hàng hóa trị giá trên 220 tỷ đồng; trong đó, bản thân bà trực tiếp vận động trên 10 tỷ đồng tiền mặt để thực hiện các mô hình: hỗ trợ thường xuyên cho gần 1.000 nạn nhân da cam, xây dựng Quỹ nạn nhân chất độc da cam để hỗ trợ cho nạn nhân, xây nhà nuôi dưỡng nạn nhân, lớp học tình thương, phòng tập chức năng xông hơi giải độc, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt...

* Bà Ingrid Sperling - Chủ tịch Tổ chức Kinderhilfe Hyvong Vietnam e.V Cộng hòa Liên bang Đức (Quốc tịch Cộng hòa Liên bang Đức).

Bà Ingrid Sperling (thứ tư, trái sang) tại buổi lễ trao học bổng Nguyễn Thị Định năm học 2019-2020. Ảnh tư liệu

Tổ chức Kinderhilfe Hyvong Vietnam e.V (Tổ chức Giúp đỡ trẻ em Việt Nam) được thành lập từ năm 1976, là một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ Việt Nam có quá trình hoạt động lâu dài và liên tục nhất ở Cộng hòa Liên bang Đức với các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật tại Việt Nam, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Liên bang Đức và các tổ chức quốc tế. Bà Ingrid Sperling là sáng lập viên và là Chủ tịch của tổ chức này từ gần 30 năm nay.

Từ năm 1982 đến nay, bà có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ bền bỉ, lâu dài với tỉnh như xây dựng Trường Mẫu giáo xã Giao Hòa (Châu Thành), Trường Mẫu giáo xã Lương Quới (Giồng Trôm), Trường Mẫu giáo xã An Thạnh (Mỏ Cày Nam). Đặc biệt, tổ chức do bà điều hành đã thực hiện Dự án “Xóa mù chữ - hỗ trợ tài năng trẻ em gái nghèo hiếu học” thông qua chương trình học bổng Nguyễn Thị Định của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, hàng năm hỗ trợ trao học bổng cho 200 em học sinh nghèo, hiếu học trên địa bàn tỉnh (cấp học bổng xuyên suốt cho các em từ cấp tiểu học đến THPT, mức học bổng từ 700 ngàn - 1,2 triệu đồng/em). Đến nay, đã có 5.500 lượt em học sinh được thụ hưởng từ chương trình và nhiều em phát triển, thành đạt, là giáo viên, bác sĩ, sĩ quan công an, quân đội, công chức trong các cơ quan nhà nước, chủ doanh nghiệp... Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ của dự án, nhiều gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn. Hàng năm, bà đều dành thời gian trực tiếp đến tỉnh để thực hiện chương trình của tổ chức mình.

* Bà Ino Mayu - Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table - Nhật Bản (Quốc tịch Nhật Bản).

Bà Ino Mayu xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ tại Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Thạnh Phú. Ảnh tư liệu

Bà Ino Mayu triển khai dự án giúp phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh với nông dân và học sinh từ năm 2011. Dự án đã mang lại những kết quả rất tích cực, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua dự án, đã nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ có chất lượng ngon, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Xây dựng được niềm tin và ý thức về sản phẩm hữu cơ cho các em học sinh tại các trường THPT và THCS trong tỉnh. Từ việc thực nghiệm sản xuất tại các xã của hai huyện Ba Tri, Bình Đại và qua hiệu quả tiêu thụ đã góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm hữu cơ, tạo ra môi trường sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; tận dụng công lao động nhàn rỗi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, dự án của bà đã tạo được sự liên kết, tổ chức và hình thành nhóm sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đây là tiền đề cho sự hình thành và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, dự án đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn, phương pháp tiếp cận cho một số cán bộ, nông dân trong tỉnh, là nền tảng để duy trì và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.

* Ông Toni Ruttimann (Quốc tịch Thụy Sĩ) là một nhà hoạt động từ thiện, là chuyên gia cầu đường Thụy sĩ, từng giúp nhiều nước trên thế giới làm cầu treo nông thôn.

Ông Toni Ruttimann và ông Trịnh Văn Y - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh. Ảnh tư liệu

Bến Tre là tỉnh được ông giúp làm cầu treo nhiều nhất. Thông qua việc kết nối, vận động của ông Trịnh Văn Y - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh (được trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi” lần thứ nhất - năm 2021), ông Toni Ruttimann đã đến tỉnh làm cầu treo nông thôn. Từ tháng 10-2004 đến 1-2009, ông Toni Ruttimann đã vận động xây dựng hoàn thành 48 cầu cáp treo trên địa bàn tỉnh, tổng chiều dài 2.590m, bình quân 54m/cầu, tổng giá trị 12 tỷ đồng.

Đây là loại cầu phù hợp với vùng sông nước, nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt như mạng nhện. Nhờ số cầu cáp treo này mà tỉnh xóa được 38 bến đò ngang, hàng chục cầu khỉ, giúp trên 100 ngàn người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến xưa đi lại dễ dàng, an toàn.

* Hòa thượng Thích Như Niệm (tên tục là Lê Văn Tam) - Ủy viên Thường trực Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ chùa Pháp Hoa, TP. Hồ Chí Minh, Viện chủ chùa Vĩnh An, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam.

Hòa thượng Thích Như Niệm tại một buổi lễ khánh thành cầu nông thôn. Ảnh tư liệu

Với cương vị là Phó trưởng ban Thường trực Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2012 - 2017, với tâm niệm gắn kết giữa “Đạo - đời”, Hòa thượng Thích Như Niệm đã vận động các tăng ni, phật tử đóng góp kinh phí xây dựng giao thông nông thôn trên tất cả huyện, thành phố trong tỉnh với trên 215 cầu bê-tông, 30km lộ bê-tông, tổng giá trị hỗ trợ 3,339 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, Hòa thượng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng được 127 cầu bê-tông, 10.487m lộ bê-tông, 3 cống, lấp 1 con rạch, làm 1 đường dẫn nước sạch, xây dựng 35 nhà tình thương, tổng giá trị đóng góp với số tiền 10,838 tỷ đồng.

Không chỉ tích cực trong công tác xây dựng giao thông nông thôn, Hòa thượng còn vận động và đóng góp vật chất khác như: xây dựng nhà thuốc Nam tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam; ủng hộ kinh phí xây dựng đền thờ liệt sĩ ở các xã trong tỉnh; tặng tủ thờ, cửu đỉnh bằng đồng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Mỏ Cày Nam; tặng cặp sư tử đá trắng Non Nước cho Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; khôi phục xây dựng mới chùa Vĩnh An, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam (30 tỷ đồng) và các hoạt động xã hội - từ thiện khác như xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nghĩa tình đồng đội; tặng học phẩm, học bổng cho học sinh nghèo của tỉnh.

“Công dân Đồng Khởi tiêu biểu”

1. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, XIV (quê quán ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm).

2. Đại tướng Lê Văn Dũng (Nguyễn Văn Nới) - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (quê quán ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm).

3. Ông Lê Tâm Dũng (Lê Văn Gia) - nguyên Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; cố vấn Ban liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh (quê quán ở xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm).

4. Bác sĩ - Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Tạ Thị Chung (Tạ Thị Tám) - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh (quê quán ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam).

5. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (quê quán ở xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam).

6. Ông Trần Công Ngữ (Vũ Hoàng) - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh (quê quán ở xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm).

7. Bà Lê Thị Thanh Vân (Chín Thanh) - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh (quê quán ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú).

“Công dân Đồng Khởi danh dự”

1. Bà Ingrid Sperling - Chủ tịch Tổ chức Kinderhilfe Hyvong Vietnam e.V Cộng hòa Liên bang Đức (Quốc tịch Cộng hòa Liên bang Đức).

2. Bà Ino Mayu - Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table - Nhật Bản (Quốc tịch Nhật Bản).

3. Ông Toni Ruttimann (Quốc tịch Thụy Sĩ) - Nhà hoạt động từ thiện, chuyên gia cầu đường Thụy sĩ.

4. Hòa thượng Thích Như Niệm (tên tục là Lê Văn Tam) - Ủy viên Thường trực Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ chùa Pháp Hoa, TP. Hồ Chí Minh, Viện chủ chùa Vĩnh An, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam.

   Hữu Hiệp (tổng hợp)

 

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN