BDK - Trước đây, hụi là giải pháp tài chính linh hoạt giúp các gia đình khó khăn xoay vòng vốn, phát triển sản xuất hoặc trang trải các chi phí cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với sự thiếu hụt quy định pháp lý và quản lý lỏng lẻo, hụi đã trở thành vấn đề phức tạp, gây ra nhiều rủi ro không lường trước.
Đại biểu tham gia trao đổi tại hội nghị đối thoại về hụi giữa lãnh đạo tỉnh, huyện với hội viên phụ nữ.
Hệ lụy đau lòng từ vỡ hụi
Theo Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lê Thị Hoàng Oanh, hụi là một hình thức tương trợ được pháp luật công nhận. Nhưng với việc nhiều người lạm dụng để thu lợi bất chính, hụi dần trở thành rủi ro lớn cho các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, việc thiếu hiểu biết về quy định pháp luật của người dân và sự kiểm soát lỏng lẻo từ các cơ quan chức năng đã biến hụi thành một “bẫy nợ”. Đặc biệt, với những dây hụi có lãi suất cao, không đăng ký với chính quyền, dễ dàng trở thành công cụ cho các hành vi lừa đảo. Người tham gia không chỉ mất tài sản mà còn bị tổn thương tinh thần.
Tình trạng vỡ hụi tại tỉnh trong năm 2024 đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ làm tổn hại tài chính mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè. Hàng chục vụ vỡ hụi lớn nhỏ xảy ra, với thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng, đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần và mất trắng tài sản. Không ít mối quan hệ lâu năm cũng bị đổ vỡ vì tranh chấp tài chính.
Trường hợp của chị V.T.K.S, một tiểu thương tại huyện Châu Thành, là ví dụ điển hình. Chị tham gia hụi với một chủ hụi quen biết lâu năm mà không yêu cầu bất kỳ giấy tờ nào, cũng không biết mặt các thành viên trong cùng một dây hụi. Khi chủ hụi tuyên bố vỡ hụi vào tháng 3-2024, chị mất 120 triệu đồng. “Không có giấy tờ, không bằng chứng gì, giờ tôi chỉ biết chịu đựng tổn thất. Tiền đó tôi định dành để lo cho con cái, nhưng giờ thì mất hết”, chị V.T.K.S chia sẻ.
Chị N.T.N, một người chơi hụi khác tại huyện Thạnh Phú. Chị chơi hụi với mục đích tiết kiệm và kiếm thêm thu nhập. “Tôi đã chơi hụi của chị B hơn 10 năm rồi, trước đây chị B luôn giao hụi đúng ngày và vì tin tưởng chị, tôi không yêu cầu giấy tờ. Tôi chỉ biết dây hụi đó có khoảng 20 - 25 người tham gia, nhưng không biết rõ tên tuổi của các thành viên. Hàng tháng, tôi không tham gia khui hụi, chỉ nghe chị B thông báo qua điện thoại số tiền cần đóng, rồi tôi đóng mà không quan tâm ai là người hốt. Khi hụi của chị B vỡ vào tháng 9-2024, tôi tham gia 2 dây hụi 5 triệu đồng và 2 dây hụi 3 triệu đồng, tổng số tiền tôi mất gần 200 triệu đồng”, chị N.T.N cho biết.
Những câu chuyện như của chị N.T.N và V.T.K.S cho thấy lỗ hổng lớn trong việc tham gia hụi mà không có hợp đồng hay sự ràng buộc pháp lý. Khi chủ hụi vỡ nợ, người tham gia thường không thể lấy lại tiền của mình.
Giải pháp thời gian tới
Trước tình hình vỡ hụi diễn biến phức tạp, Hội LHPN tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và giảm thiểu rủi ro từ hoạt động này. Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Hoàng Oanh cho biết: Hội xác định công tác tuyên truyền và giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, hội đang đẩy mạnh phổ biến pháp luật về hụi, đồng thời yêu cầu các cấp hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền để quản lý, giám sát và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là lợi dụng hụi để lừa đảo hoặc cho vay “tín dụng đen”.
Đồng thời, hội tập trung rà soát cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động hụi, đặc biệt là những chủ hụi chưa đăng ký với chính quyền địa phương. Việc lập danh sách cụ thể giúp kiểm soát thông tin, kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Công tác hòa giải ở cơ sở cũng được đẩy mạnh nhằm tổ chức thương lượng, giải quyết tranh chấp, hạn chế các vụ việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền các nguồn vốn tín dụng như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế để phụ nữ giảm phụ thuộc vào các dây hụi có lãi suất cao. Đồng thời, cảnh báo về các thủ đoạn “tín dụng đen” núp bóng hụi, giúp người dân nhận biết và phòng tránh rủi ro.
Ngoài ra, hội yêu cầu các địa phương nhanh chóng báo cáo tình hình vỡ hụi, đánh giá tác động và có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho hội viên bị ảnh hưởng, giúp họ vượt qua khó khăn. Với sự phối hợp đồng bộ và quyết tâm của các cấp, Hội LHPN tỉnh kỳ vọng sẽ ổn định tình hình, đưa hoạt động hụi trở lại đúng ý nghĩa tương trợ vốn an toàn và lành mạnh.
“Với tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng từ các vụ vỡ hụi trong năm 2024, vấn đề không chỉ là ý thức của các bên tham gia mà còn phản ánh sự thiếu chặt chẽ trong quản lý. Khi các giao dịch hụi không được đăng ký và giám sát, tình trạng này có nguy cơ lan rộng, đẩy thêm nhiều người vào cảnh khó khăn. Những câu chuyện đau lòng trên là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự cần thiết phải nâng cao nhận thức pháp luật và quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động hụi”.
(Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lê Thị Hoàng Oanh)