Ông Nguyễn Hữu Lập trao chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho các doanh nghiệp.
Bắt đầu khâu chăm đất
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, muốn có “quả ngon và an toàn” thì phải bắt đầu từ khâu chăm sóc “đất đến cái cây” cho tốt - một yếu tố đầu tiên phát triển tài nguyên bản địa đến sản phẩm OCOP.
Bà Vũ Kim Hạnh chỉ ra kinh nghiệm của ông Nguyễn Lâm Viên - Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit đã đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam để chinh phục thị trường Trung Quốc đến Mỹ. Trong khi xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi ngày càng gặp khó khăn, Vinamit đã thành công trong xuất khẩu nông sản bằng cách đẩy mạnh chế biến. Từ Vinamit cho thấy, DN phải chuyển từ xuất khẩu tươi sang xuất các sản phẩm chế biến.
Thực tế, tại các hội chợ lớn như tại Thaifex và tại Thượng Hải vừa qua cho thấy, cuộc cạnh tranh về chế biến hàng nông sản đang diễn ra rất quyết liệt. Công nghệ chế biến của nước ngoài hiện nay đang hướng đến chế biến sấy đặc, sấy dẻo, sấy khô. Tất cả các sản phẩm nông sản có thể biến thành bột như bột nước mía, bột xoài, bột sắn… để pha nước uống nhanh. Sản phẩm ăn liền, uống nhanh đảm bảo tươi, ngon, giữ nguyên hương vị tự nhiên và hữu cơ là một trong những xu hướng nổi bật hiện nay của thế giới.
Từ thực tế đó, bà Vũ Kim Hạnh chỉ ra rằng, yêu cầu đặt lên vai người KN là làm sao nắm bắt, theo kịp xu thế của thế giới để vận dụng vào khai thác tài nguyên bản địa - sản phẩm mang tính đặc trưng, độc đáo, khác biệt của địa phương để phát triển, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng từ thị trường nội địa đến thị trường thế giới. “Để phát triển tài nguyên bản địa cần đến vai trò của những công nghệ mới trên thế giới hiện nay, nhưng khá đắt tiền. Nếu chúng ta có “tài sản quý” mà không khai thác được thì bên ngoài sẽ đến để khai thác tài nguyên của chúng ta”, bà Hạnh khẳng định.
Trong 3 năm qua, thực hiện Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN tỉnh, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh đã bước đầu xuất hiện những nhân tố mới điển hình trong KN từ khai thác tài nguyên bản địa như chị Trịnh Thị Ngọc Hiện với dự án người giữ rừng; chị Ngô Thị Kiều Dương với đa dạng hóa mỹ phẩm từ dừa; bạn Nguyễn Thị Ngọc Ân tận dụng nguồn chuối tươi dồi dào tại địa phương để sấy khô, sấy dẻo; chị Ngô Song Đào với sản phẩm sạch là nhang Thiên Phúc… Gắn với vấn đề OCOP, các sản phẩm KN này cần phải được người sản xuất tiếp tục chuẩn hóa, thực hiện đầy đủ theo bộ tiêu chí OCOP, từng bước được xếp vào các thứ hạng sao cao hơn để vươn ra thị trường thế giới.
Chuyên gia đề xuất giải pháp
Ông Nguyễn Lâm Viên - Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit - Phó chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cũng nhìn nhận, tỉnh đang có tài nguyên dừa, bưởi, ca cao… Chúng ta xem là bình thường nhưng thật ra đó là những sản vật mà người khác rất khát khao. “Bến Tre có chương trình OCOP rất là hay. Đây là niềm vui cho DN tỉnh, niềm vui cho chính tôi - người từng làm thị trường hơn 30 năm cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam”, ông cho hay.
Về con đường hay cách làm, bà Vũ Kim Hạnh cho biết: “Chúng ta xác định ngay từ đầu, làm tài nguyên bản địa để cạnh tranh với thế giới chứ không thể chỉ bán cho người dân trong xóm ấp, trong tỉnh. Muốn làm, chúng ta phải đi nhiều tìm hiểu thị trường nước ngoài để học hỏi và tìm sự khác biệt của mình so với thế giới để khai thác, phát huy”.
“Khi nói đến tài nguyên bản địa, chúng ta cần phải biết tận dụng những bản sắc, đặc trưng của địa phương. Thứ hai là phải tiếp cận tất cả những công nghệ mà hiện nay thế giới đang có và chúng ta biến đổi, dùng công nghệ đó trải nghiệm trên sản phẩm của mình để chúng ta nâng cấp nó lên làm sao đạt được mong đợi người tiêu dùng địa phương đến người thành thị, cả người tiêu dùng thế giới ưa chuộng sản phẩm của mình”, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.
Ngoài ra, ông Viên lưu ý, người KN phải bắt đầu làm tốt, kiên trì tiếp cận người tiêu dùng ở mọi kênh, mọi nơi và phải luôn rất tích cực, thông qua kênh thương mại điện tử. Vấn đề hiện nay, người mua không biết nơi để mua sản phẩm, người sản xuất phải thay đổi cách thức phân phối sao cho linh hoạt, hiệu quả. Cần chủ động tìm khách hàng tiêu dùng của mình, có thể tham gia các hệ thống online như Alibaba, Amazon, Shopee…
Ông Châu Văn Bình - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Sở sẽ cùng các ngành liên quan nghiên cứu, vận dụng các ý kiến đề xuất vào thực tiễn công tác tham mưu, đề xuất và quản lý, nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng DN trước những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc