Tủ sách pháp luật hiệu quả ra sao?

25/04/2010 - 15:45
Tủ sách pháp luật ở một đơn vị (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: M.H

Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là một trong những công cụ quan trọng để đưa pháp luật vào đời sống. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 160 tủ sách pháp luật (TSPL) ở 160 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 97,5%.

Các đơn vị hành chính mới được thành lập năm 2009 như: phường Phú Tân (thành phố Bến Tre), xã Phú Sơn, xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách) và xã Tân Hội (Mỏ Cày Nam), dự kiến đến cuối tháng 4 này sẽ được trang bị. Để thực hiện yêu cầu về xây dựng và khai thác tốt TSPL ở cấp xã, ngày 13-7-1998, UBND tỉnh  ban hành Chỉ thị số 18/CT-UB về việc xây dựng TSPL ở xã, phường, thị trấn. Sau một thời gian triển khai thực hiện ở đồng loạt các đơn vị hành chính cấp xã, để củng cố và nâng cao hơn nữa hiệu quả của TSPL, UBND tỉnh có Quyết định số 2337/2005/QĐ-UBND ngày 11-7-2005 về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và khai thác TSPL, trong đó, quy định, hàng năm ngân sách xã chi 1,2 triệu đồng để mua thêm đầu sách; Sở Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn khoản chi này; Sở Tư pháp phối hợp với Thư viện tỉnh mở lớp tập huấn chuyên đề về nghiệp vụ quản lý và khai thác TSPL cho cán bộ tư pháp cấp xã. Sở cũng đã phối hợp với Bưu điện tỉnh luân chuyển sách pháp luật ra điểm bưu điện văn hóa xã ở 94/160 xã, phường, thị trấn. Các TSPL ở cơ sở được trang bị trung bình từ 50 đến 150 đầu sách với 4 bộ phận sách báo, tài liệu pháp lý. Tuy nhiên việc quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả của TSPL cấp xã hiện nay vẫn chưa như mong muốn. Việc quản lý chủ yếu giao cho cán bộ tư pháp-hộ tịch, mà số cán bộ này hiện mỗi xã chỉ có 1 nhân sự, công việc chồng chất nên khó có khả năng quản lý, khai thác tốt TSPL. Có những trường hợp, người dân có nhu cầu mượn sách đọc nhưng CBTP đi cơ sở, không ai giữ chìa khóa, phải hẹn lại hôm khác. Đó là chưa kể đến trường hợp CBTP do hạn chế về năng lực, không tư vấn được cho người dân nên đọc loại sách, báo, tài liệu nào hữu ích.

Ông Mai Văn Nguyện-Trưởng phòng Tư pháp huyện Chợ Lách cho biết: TSPL thường được đặt tại trụ sở UBND xã, ở bộ phận một cửa, tiếp dân. Nơi đây đông người ra vào, liên hệ làm giấy tờ, ồn ào không thích hợp cho việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật, người đọc cần phải tư duy, tập trung cao. Còn mượn về nhà thì hầu như không có ai mượn, do tâm lý e ngại thủ tục rườm rà. Ông Nguyện còn cho biết thêm: “Chợ Lách chỉ có xã Sơn Định và Vĩnh Thành là có phòng riêng phục vụ việc tiếp nhận trao trả hồ sơ, có đem một số sách, báo pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật để cho người dân xem. Kết quả cho thấy người dân nơi đây có mượn đọc nhiều”. Ở một số địa phương khác TSPL được đặt ở những góc khuất hoặc trong phòng làm việc của chủ tịch, phó chủ tịch UBND, người dân không biết xã có tủ sách. UBND xã, phường thì làm việc theo giờ hành chính, lúc đó người dân cũng bận mưu sinh, vì thế càng hạn chế lượt người đến tìm đọc sách, báo tại các TSPL. Qua tiếp xúc và trao đổi với người dân các xã: Châu Hưng, Thới Lai (Bình Đại) hay ngay cả ở thị trấn Chợ Lách, bà con đều nói: Biết UBND xã có TSPL nhưng do thấy không thuận tiện nên khi cần thì ra hiệu sách mua cho tiện. Thực trạng trên cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Một số địa phương khác thực hiện luân chuyển một số đầu sách pháp luật ra điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVH) hoặc về ấp, khu phố cho người dân thuận tiện, dễ tìm đọc nhưng lại vướng ở khâu quản lý, bảo quản sách. BĐVH có trang bị hệ thống Internet để người dân truy cập là nơi một bộ phận thanh thiếu niên tụ tập lên mạng chat, chơi games làm cho không gian ồn ào, phức tạp, chật chội, không thích hợp là nơi đọc sách.

Mặt khác, TSPL chưa phát huy được hiệu quả sâu rộng đến người dân cũng một phần do người dân ít chịu đọc, nghiên cứu, sách, báo, tài liệu pháp luật. Khi nào có những vướng mắc liên quan đến pháp luật thì họ lại nhờ đến sự tư vấn trực tiếp của cán bộ tư pháp địa phương, trợ giúp pháp lý hoặc Tổng đài 1080… mà không tự mình xem văn bản pháp luật. TSPL hầu như chỉ có cán bộ công chức của địa phương mượn sách đọc để phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ của mình.

Tuy nói là TSPL phải được trang bị ít nhất 4 bộ phận sách, báo, tài liệu pháp lý và hàng năm theo đề nghị của CBTP, UBND cấp xã phải trích từ ngân sách chi cho việc bổ sung đầu sách mới (1,2 triệu đồng/năm) nhưng nhiều địa phương không thực hiện được việc này. Kinh phí để mua bổ sung sách hằng năm bị địa phương “tiết kiệm” để chi vào mục đích khác. Tận mắt nhìn thấy chiếc tủ kiếng (ở một xã thuộc huyện Bình Đại) phân làm 3 kệ sách nhưng chỉ lèo tèo mười mấy cuốn sách, trong đó có phân nửa là các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, không một quyển công báo nào, trong, ngoài tủ bụi đóng dày đặc mới biết được tình trạng xuống cấp của những TSPL như thế nào. Cán bộ lãnh đạo của UBND xã này cho biết: Ở xã có một tủ sách khác đặt tại ấp với nhiều đầu sách hơn, 2/3 là sách lịch sử, số còn lại là sách liên quan đến lĩnh vực pháp luật.

Trong những loại sách, báo, tạp chí pháp luật cần có của TSPL thì công báo là loại mà địa phương được phát miễn phí theo Quyết định số 61/1998/QĐ-TTg ngày 31-3-1998 về việc phát hành công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho xã, phường, thị trấn. Nếu địa phương biết khai thác sử dụng nguồn văn bản trong công báo thì hiệu quả rất lớn, lại không tốn chi phí mua vì “văn bản pháp luật đăng trên công báo có cùng giá trị pháp lý; là văn bản chính thức duy nhất cùng văn bản gốc dùng để đối chiếu và sử dụng trong mọi trường hợp khi có sự khác biệt giữa văn bản đăng trên công báo và văn bản có từ các nguồn gốc khác hoặc khi có tranh chấp pháp lý” (trích Điều 7 Nghị định số 104/2004/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tư pháp: ở nhiều xã, công báo chất đống, để tràn lan, khi cần tìm không biết đâu mà lục. Trong khi, tiền ngân sách hàng năm để mua công báo về phát cho cấp xã là rất lớn. Nếu xã khai thác tốt công báo thì sẽ giảm được khoản tiền để mua các văn bản quy phạm phát luật.

Những năm qua, TSPL cấp xã đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của cán bộ cấp xã, giảm bớt tình trạng “đói luật” của người dân; tình hình vi phạm pháp luật giảm, đơn thư khiếu kiện vượt cấp giảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn tồn tại không ít bất cập  như đã nêu trên làm cho hiệu quả mà TSPL mang lại chưa cao. Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25-1-2010 về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả khai thác TSPL, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hy vọng rằng TSPL sẽ được các cấp, ngành hữu quan quan tâm xây dựng, quản lý và khai thác hiệu quả hơn.

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN