Từ ngày 1 đến 30-7-2012: Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012

27/06/2012 - 08:41

Theo Quyết định số 1271/2011 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1 đến 30-7-2012, sẽ triển khai Tổng điều tra giai đoạn 2 thu thập thông tin của các cơ sở hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, tôn giáo và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể giai đoạn II. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã phỏng vấn ông Huỳnh Văn Tươi - Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh xung quanh nội dung này.

* Xin ông cho biết, Bến Tre triển khai thực hiện tinh thần Quyết định này tại địa phương như thế nào?

Nhằm thực hiện tốt tinh thần Quyết định, tại địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra ở 3 cấp: tỉnh, huyện và xã để tổ chức và chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra.

Thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm Trưởng Ban; Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm Phó trưởng Ban Thường trực; Thủ trưởng (hoặc Phó Thủ trưởng) các cơ quan: Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, một Phó Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm Ủy viên.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra từ cấp huyện trở lên được thành lập Tổ thường trực giúp việc do cơ quan Thống kê cùng cấp chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện.

Thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã gồm Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, công chức các ngành Thống kê, Tài chính xã làm Ủy viên, trong đó công chức thống kê xã làm Ủy viên Thường trực.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện đã triển khai thực hiện điều tra xong giai đoạn I đối với doanh nghiệp và thực hiện bước lập danh sách các cơ sở cá thể, hành chính sự nghiệp và tôn giáo. Hiện nay, vào thời điểm 1-7 tỉnh sẽ triển khai thực hiện các công việc giai đoạn II là tiến hành điều tra thu thập thông tin của toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh 70.000 cơ sở cá thể, 1.800 cơ sở hành chính, sự nghiệp và hơn 700 cơ sở tôn giáo.

Lực lượng huy động để thực hiện cuộc Tổng điều tra gồm 265 thành viên Ban chỉ đạo 3 cấp, 117 giám sát viên cấp tỉnh, huyện và 1.571 điều tra viên và tổ trưởng.

 

* Xin ông cho biết những thông tin cần thu thập trong cuộc Tổng điều tra lần này?

Cuộc Tổng điều tra thu thập các nhóm thông tin sau:

1. Thông tin nhận dạng cơ sở: Tên, địa chỉ, số điện thoại; mã số thuế, mã đơn vị sử dụng ngân sách; ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính (theo VSIC 2007); loại cơ sở loại hình doanh nghiệp, trụ sở chính, cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc cơ quan hành chính, sự nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ quan Nhà nước; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng…)

2. Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: Thông tin về người đứng đầu cơ sở; lao động của cơ sở (phân bổ theo loại lao động gia đình, lao động thuê ngoài, lao động là người nước ngoài, trình độ chuyên môn được đào tạo, giới tính, độ tuổi); thu nhập của người lao động.

3. Thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh, tình hình hoạt động: Tài sản, vốn; kết quả sản xuất, kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư; tình hình sử dụng công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ; các chỉ tiêu chuyên ngành (nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, thu gom và xử lý rác thải, xây dựng, thương nghiệp, vận tải, kho bãi, lưu trú, ăn uống, du lịch, trung gian tài chính, bảo hiểm, y tế, giáo dục, dịch vụ khác…); tiêu dùng năng lượng.

4. Tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin: Sử dụng máy tính cho sản xuất, kinh doanh; sử dụng mạng internet cho sản xuất kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử (mua, bán hàng qua mạng internet).

5. Thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp: Mục tiêu tiếp cận các nguồn vốn; kết quả tiếp cận các nguồn vốn; lý do bị từ chối tiếp cận các nguồn vốn.

 

* Phương pháp thu thập thông tin như thế nào?

Phương pháp thu thập thông tin được áp dụng kết hợp phỏng vấn trực tiếp và gián tiếp tùy theo từng loại đơn vị điều tra. Cụ thể: Đối với các đơn vị điều tra thuộc khối doanh nghiệp và khối hành chính sự nghiệp, tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, kết hợp sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp (điều tra viên đến đơn vị điều tra, hỏi thông tin và ghi vào phiếu) và phương pháp gián tiếp (cơ quan thống kê mời đại diện đơn vị điều tra tham dự tập huấn để nghe hướng dẫn ghi phiếu điều tra, hẹn ngày gửi trả phiếu đã điền thông tin cho cơ quan thống kê). Đối với các đơn vị điều tra thuộc khối cá thể và tôn giáo, áp dụng thống nhất phương pháp phỏng vấn trực tiếp.

Người cung cấp thông tin ở từng khối điều tra như sau:

Khối doanh nghiệp: Lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo phòng kế toán và các phòng ban liên quan.

Khối hành chính, sự nghiệp: Lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo văn phòng cơ quan; người quản lý hoặc người phụ trách cơ sở trực thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp.

Khối cá thể và tôn giáo: Chủ cơ sở. Trường hợp chủ cơ sở không có mặt thì có thể phỏng vấn người quản lý cơ sở hoặc người bán hàng nếu người đó có thể trả lời đầy đủ, chính xác các thông tin trong phiếu điều tra.

 

* Mục đích chính của tổ chức Tổng điều tra lần này là gì, thưa ông?

Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp nhằm đáp ứng các mục đích sau:

Một là, đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở, lao động của các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bố của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu… đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Hai là, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê chính thức năm 2011 của các ngành có liên quan đến doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (số lượng, số lao động, vốn, tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện đầu tư…).

Ba là, bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm, tính toán chỉ tiêu GDP và các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước, từng địa phương.

Bốn là, cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ 2013-2017 của ngành Thống kê, các bộ, ngành và địa phương.

 

* Ông có ý kiến gì thêm xung quanh việc tổ chức Tổng điều tra?

Cuộc Tổng điều tra sẽ huy động lực lượng con người rất lớn và tiêu tốn nhiều chi phí, với kỳ vọng là thu thập thông tin đạt chất lượng cao, phản ánh trung thực bức tranh về các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông, lâm, thủy sản trong toàn tỉnh, giúp Chính phủ và lãnh đạo các cấp đưa ra chiến lược lãnh đạo điều hành đất nước phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Để đạt được điều đó, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của lực lượng tham gia và sự hợp tác tốt của đối tượng cung cấp thông tin.

Trong cuộc Tổng điều tra lần này, các chỉ tiêu cần khai thác liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của cơ sở, đây là các chỉ tiêu hết sức nhạy cảm và ít được sự hợp tác tốt của đối tượng cung cấp thông tin. Do vậy, để cuộc điều tra thành công mỹ mãn, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ cũng như toàn ngành Thống kê, ngoài sự nỗ lực lớn của lực lượng tham gia trực tiếp, đòi hỏi sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện cuộc Tổng điều tra tại mỗi địa phương. Đồng thời, cần được sự phối hợp của các cơ quan truyền thông như báo, đài, nhằm tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra, hiểu được tầm quan trọng và lợi ích mang tính chiến lược của cuộc Tổng điều tra mà vui lòng hợp tác cung cấp thông tin.

 

* Xin cảm ơn ông!

Trần Quốc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN