Từ “mái nhà” Đồng Khởi: Chúng tôi dần trưởng thành

10/11/2021 - 12:30

BDK - Trải qua bao thế hệ người làm báo, có người miệt mài dành cả tuổi thanh xuân để làm báo hoặc chỉ 5 - 10 năm, nhưng đều xem Báo Ðồng Khởi như ngôi nhà thứ hai. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Ðồng Khởi (11-11-1976 - 11-11-2021), phóng viên, biên tập viên Báo Ðồng Khởi có những chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Phóng viên Báo Đồng Khởi phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ. Ảnh: Lê Uyên

* Phóng viên Phan Hân: “Tôi “phá kén” trưởng thành”

Đầu tháng 12-2012, sau hơn 7 tháng ra trường, qua 5 lần gửi hồ sơ xin việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tôi may mắn chạm ngõ nghề báo với gần 30 anh chị em đồng nghiệp. Gần 9 năm trong ngôi nhà chung mang tên Báo Đồng Khởi là quãng thời gian không quá dài, song cũng đủ để tôi trải nghiệm những niềm vui và cả những khó khăn, vất vả của nghề. Đây là chặng đường tôi “phá kén” trưởng thành của chính mình.

Những ngày đầu bước vào tòa soạn, tôi bỡ ngỡ và bối rối nhưng được anh chị em đồng nghiệp, ban biên tập tạo điều kiện, giúp đỡ tận tình, góp ý tôi cách viết, chia sẻ những kinh nghiệm khai thác thông tin tư liệu. Những bảo ban, hướng dẫn đó giúp tôi có thêm kinh nghiệm, lớn dần lên trong những lần tác nghiệp. Nhìn lại chặng đường mình đi qua, không ít biến cố và thách thức để lại cho tôi vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau và đọng lại hơn hết là kiến thức, bài học kinh nghiệm. Từ đó, giúp tôi nuôi dưỡng cảm xúc, đắp bồi thêm kỹ năng nghề nghiệp, trưởng thành hơn trong quảng đời làm báo của mình. Ngần ấy năm, những kỷ niệm vui, buồn trong nghề không thể nào nói hết, nhưng nó đủ tiếp thêm nguồn năng lượng để tôi cố gắng học hỏi và tiếp tục trải nghiệm với những đặc thù riêng của nghề báo.

Với tôi, nghề báo là chuỗi dài học hỏi, được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với nhiều nhân vật có những cá tính, sắc màu riêng biệt. Qua đó, tôi nhận về kiến thức mới, nhiều điều thú vị mới và cả những trăn trở, bức xúc mà cuộc sống đặt ra. Hiện nay, trong bối cảnh người làm báo luôn cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, tôi nhắc mình phải luôn trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp; rèn kỹ năng, trau dồi nghiệp vụ và cả khả năng khai thác, sử dụng công nghệ để cùng tập thể báo chí tỉnh nói chung, cơ quan Báo Đồng Khởi nói riêng, tạo ra những tác phẩm báo chí kịp thời, chính thống, chính xác phục vụ Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, góp phần nhỏ để dựng xây quê hương tốt đẹp hơn.

* Biên tập viên Quang Khởi: “Nghề báo giúp tôi trưởng thành hơn”

Về tòa soạn Báo Đồng Khởi (từ ngày 1-7-2017), tôi được phân công làm nhiệm vụ biên tập viên Phòng Thư ký tòa soạn. Mỗi ngày, tôi tiếp nhận rất nhiều thông tin mới, kiến thức tổng hợp trên các lĩnh vực qua tác phẩm của các đồng nghiệp tại cơ quan và cộng tác viên các nơi trong và ngoài tỉnh, vốn sống đã được tích lũy từng ngày.

Nhớ ngày đầu về tòa soạn, trong tôi không tránh khỏi lo lắng, bởi môi trường làm việc mới, tính chất công việc khác với công việc mình từng làm. Tôi biên tập bài của phóng viên, cộng tác viên, trong đó có nhiều người trước đây tôi xem như đàn anh trong nghề, nên áp lực rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình học việc, được lãnh đạo, anh chị đồng nghiệp quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn, góp ý mỗi ngày, tôi ngày càng tự tin hơn, làm tốt hơn công việc mình được giao.

Nếu như phóng viên lớn lên trong môi trường tác nghiệp, quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí, thì tôi lớn lên qua từng tin, bài mình biên tập - một việc ban đầu tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế vô cùng khó khăn. Bởi muốn sửa bài đồng nghiệp, tôi phải vững mọi mặt, từ nhãn quan chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đến văn phong, ngôn từ… Bản thân tôi không ngừng học tập, trau dồi để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao. Tôi luôn quán triệt phương châm “sửa đúng, sửa trúng” để góp phần cùng phóng viên đem đến độc giả những thông tin chính xác, dễ đọc, dễ nhớ.

4 năm - thời gian tuy không dài, nhưng đã cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm trong nghề báo. Tôi hiểu thế nào là sức mạnh của sự đoàn kết, tinh thần san sẻ, yêu thương của tình đồng chí, đồng nghiệp. Càng thấm thía với câu: “Làm biên tập tuyệt đối không được chủ quan, sửa đúng thành sai”. Không ít lần bị “tai nạn nghề nghiệp”, tôi luôn tự nhủ “vấp ngã ở đâu, thì đứng lên ở đó”, và mỗi lần như thế là một bài học được rút ra, giúp tôi lớn dần trong nghề nghiệp.

* Phóng viên Cẩm Trúc: “Từ nghề báo, tôi góp nhặt kiến thức làm hành trang cho mình”

Học xong chuyên ngành Báo chí khóa 2003 - 2007, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, tôi tha thiết được trở về quê hương và được đầu quân vào cơ quan Báo Đồng Khởi từ tháng 9-2007. Khi đó, nhà báo Trương Văn Đông là Quyền Tổng biên tập. Là một trong những phóng viên mới, non trẻ cùng thời, chúng tôi rất may mắn được nghe kể và được nhiều lần gặp gỡ nhà báo Huỳnh Năm Thông mà chúng tôi vẫn kính trọng gọi là bác Năm.

Hồi mới, điều vui nhất trong tôi là được nghe bác Đông (nhà báo Trương Văn Đông) chia sẻ nhiều kinh nghiệm và truyền lửa về nghề làm báo, nhất là cách viết bài, phỏng vấn nhân vật và cách ghi lại những khoảnh khắc đẹp vào mỗi ngày đầu tuần. Cách làm báo của bác Năm Thông cũng được bác Đông và các anh chị em trong cơ quan rất thường hay chia sẻ lại với chúng tôi. Đó là những chuyện kể ngắn như: “Mặc dù lớn tuổi, về hưu nhưng bác Năm vẫn say sưa viết lách mỗi ngày. Bác vẫn bắt đầu ngày làm báo của mình từ 2 - 3 giờ sáng. Nghề báo là vậy đó, nghỉ làm ở tòa soạn nhưng vẫn không nghỉ viết…”. Có hôm chúng tôi gặp bác đem bài đến tận Phòng Thư ký tòa soạn và ngồi biên tập cùng các anh em. Gặp những phóng viên còn “chân ướt” như chúng tôi, bác rất vui vẻ, cởi mở, hỏi thăm về công việc.

Mỗi mẩu chuyện ngắn ấy về bác đều ví như món thực dưỡng, tôi trân quý góp nhặt cất kỹ, làm hành trang riêng cho mình, để mỗi ngày nuôi lớn thêm tình yêu và ý chí, phụng sự nghề một cách hết mình, với nguyện vọng được đóng góp một phần nhỏ cùng với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà vào công cuộc phát triển quê hương.

Đến nay, trải qua đúng 14 năm gắn bó tại “ngôi nhà” thứ hai của mình, tôi vẫn luôn tự hào và hãnh diện vì được tiếp bước trong sự nghiệp phát triển báo chí tỉnh nhà. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước xu thế phát triển của báo chí đương đại, chúng tôi càng ý thức về sứ mệnh kế thừa, phát huy hơn nữa truyền thống, tên tuổi của nền báo chí tỉnh nhà trong tương lai.

* Phóng viên Thanh Đồng: “Nhiều bài học từ nhịp sống của xã hội đang vận động mỗi ngày”

Vào nghề gần 10 năm, tôi có cơ hội được trải nghiệm ở hai nhiệm vụ, hai bộ phận khác nhau của nghề báo. Đây vừa là cơ duyên, vừa là cơ hội để tôi hiểu biết về nghề báo ở nhiều khía cạnh.

Tôi biết đến nghề báo ở góc độ “hậu kỳ”, trước hết với vai trò là một chuyên viên dò morasse, làm người “giữ cổng” để giúp cho tờ báo được hoàn thiện, sạch, đẹp, chuẩn chỉnh về chính tả. Làm dò bài, được gắn bó với các anh chị ở bộ phận biên tập viên, kỹ thuật trình bày, tôi hiểu được cách mà một tờ báo được xuất bản như thế nào, hiểu được tâm huyết của một tập thể vun vén cho từng tin, bài, từng hình ảnh, từng số báo để ra mắt độc giả. Tôi học được bài học đầu tiên với nghề: “Báo chí là sản phẩm của một tập thể”.

Khoảng thời gian làm “hậu cần” đã ấp ủ trong tôi một tình yêu với nghề báo, với tôi cũng chính là nền tảng cơ bản để tôi trở thành một phóng viên đưa tin thực thụ. Là một phóng viên, trực tiếp tác nghiệp lại đòi hỏi tôi sự năng động và linh hoạt trong xử lý tình huống. Chính trên hành trình đi và gặp gỡ của mình, tôi học được nhiều bài học để làm nghề và để trưởng thành hơn. Có những câu chuyện khiến mình thấy hân hoan, vui thích; có những câu chuyện khiến mình đau đáu, tâm tư và cũng có những câu chuyện để lại cho mình một bài học sâu sắc. Tất cả đều là những mảnh ghép chân thực trong nhịp sống của xã hội đang vận động mỗi ngày. Với nghề báo, thế giới quan của tôi đã trở nên rộng mở hơn từ bao giờ; tôi có thêm nhiều những người bạn, những người thầy và cả những người thân. 

Điều tôi trân quý nhất trong khoảng thời gian 10 năm qua là dù ở nhiệm vụ nào, vai trò nào, tôi cũng luôn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ từ ban lãnh đạo và các anh chị đồng nghiệp, đã trui rèn cho tôi từng ngày thêm vững nghiệp vụ, chắc quan điểm, trưởng thành hơn với nghề.

Mừng 45 năm Báo Đồng Khởi lãnh nhận sứ mệnh mới của thời đại, giữ trong tim lòng tự hào, trân trọng khi được là một phần của tập thể lớn, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, học nghề và rèn nghề để hoàn thành tốt nhiệm vụ được cơ quan tin tưởng, giao phó, xứng đáng là “Thanh niên” của “Đồng Khởi”.

* Phóng viên Ánh Nguyệt: “Qua tác nghiệp, tôi hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa của quê hương”

Thắm thoát đã 14 năm, tôi được gắn bó, làm việc và trưởng thành từ “mái nhà chung” - Báo Đồng Khởi. Ngần ấy thời gian, tôi đã được rèn luyện và “tác chiến” trên nhiều “mặt trận”, nhất là lĩnh vực văn hóa - xã hội mà tôi được phân công phụ trách. Từ nghề báo, tôi có cơ hội để hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa của vùng đất ba dải cù lao mến yêu. Qua ngòi bút, tôi đã tự hào giới thiệu với độc giả gần xa về một Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, về một “Đội quân tóc dài” đi trong đạn lửa tạc vào lịch sử, về nhà thơ có lòng yêu nước sắt son rạng danh Đồ Chiểu, về một Nữ tướng tài ba mà bình dị mang tên Nguyễn Thị Định, về điệu hát Sắc bùa Phú Lễ được vinh danh di sản văn hóa quốc gia, về văn hóa hiếu học, về tinh thần tự lực, tự cường của người dân xứ Dừa vượt lên bao gian khó… Cũng như được góp phần truyền thông về công cuộc đổi mới phát triển của tỉnh nhà trong dòng chảy chung của cả nước.

Kỷ niệm 45 năm Ngày Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Đồng Khởi, trong tôi lại bồi hồi nhiều cảm xúc khi báo đánh dấu thêm một mốc đáng nhớ của sự phát triển. Cá nhân tôi cũng đánh dấu hành trình 14 năm theo “nghiệp viết” với nhiều kỷ niệm trong hành trình làm báo. Trong sự phát triển của báo chí thời đại, cũng như khi đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi hiểu rằng mình phải tiếp tục nỗ lực, không ngừng trau dồi học hỏi để đáp ứng nhiệm vụ được giao, vững bước đi tới cùng đồng nghiệp tại “mái nhà chung”.

* Phóng viên Thạch Thảo: “Nghề báo luyện cho người làm báo tốc độ suy nghĩ nhanh hơn”

Đến năm 2021, tôi chính thức làm phóng viên được 10 năm tại Báo Đồng Khởi. Mấy năm đầu mới vào nghề, tôi nghe các anh chị đồng nghiệp đi trước hay nói: “Làm báo lâu năm, nghề sẽ luyện cho mình nhanh chóng nhận ra ngay người đối diện đang nói thiệt, hay nói không thiệt”. Người mới vô nghề như tôi, thấy không sao tin nổi lời đó.

Nhưng 10 năm làm nghề, tôi dần nhận ra, lời đồng nghiệp đi trước nói là có cơ sở và thật ra cũng không có gì quá ghê gớm. Bởi tính trung bình mỗi năm, 1 phóng viên sản xuất khoảng 300 - 500 sản phẩm được đăng tải. Mỗi sản phẩm là sự kiện khác nhau không hề trùng lặp; gặp gỡ có khi hàng ngàn người mỗi năm và hiếm khi gặp một nhân vật đến hai lần. Số lần gặp gỡ nhiều người ở mọi tầng lớp xã hội, sự đào sâu tìm hiểu vấn đề đã giúp người làm báo tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống. Quá trình liên tục ngày ngày làm công việc tổng hợp thông tin, phân tích, đánh giá sự kiện đã luyện cho người làm báo tốc độ suy nghĩ nhanh hơn, từ đó đáp án cho các vấn đề cũng nhanh chóng được kết luận.

Việc mau nhìn ra “chân dung” một vấn đề theo tôi chỉ là bước khởi đầu tượng hình ra sản phẩm. Nhưng để làm ra sản phẩm như ý muốn còn cần đến vốn ngôn ngữ, kỹ thuật diễn đạt và cần nhất là nền tảng quan điểm, đạo đức để ngòi bút không bị thiên lệch. Làm báo càng nhiều năm, tôi càng khám phá ra mình “đã từng dở” như thế nào! Đứng trước một chặng đường mới sau 45 năm Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Đồng Khởi, tôi lại tiếp tục bước vào cuộc hành trình tiếp theo của đời làm báo. Tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng làm cho tốt, không để các bậc cha anh, đồng nghiệp đi trước phải thất vọng về mình.

Thu An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN