Đại biểu trong đơn vị vũ trang C710 tham quan Nhà truyền thống Tỉnh Đội.
Tự hào truyền thống
Hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Tre Đồng khởi 1960, với nhiều hoạt động ý nghĩa, cô Cao Thị Hồng Nhung, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Bến Tre chia sẻ: “Là người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bến Tre, bản thân hòa cùng niềm vui với sự tự hào và biết ơn vô hạn đến thế hệ cha ông đã bất khuất, kiên cường đấu tranh “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.
“Phong trào Đồng khởi 1960 của nhân dân Bến Tre đã mở đầu cho cuộc tiến công và nổi dậy lần thứ nhất của cách mạng miền Nam và đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu. Thắng lợi phong trào Đồng khởi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam. “Đồng khởi” đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đưa cách mạng miền Nam đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng. Một kết quả to lớn từ trong phong trào “Đồng khởi”, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra đời (20-12-1960), trở thành tổ chức tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân miền Nam đứng lên đánh đổ bọn đế quốc tay sai. “Đồng khởi” đánh dấu chấm dứt thời kỳ ổn định tạm thời của chính quyền tay sai Mỹ - Diệm, mở ra thời kỳ khủng hoảng và thất bại triền miên kéo dài, Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965)”, cô Hồng Nhung cho biết.
Bạn Nguyễn Kim Hoàng Anh - Phó bí thư Xã Đoàn Sơn Đông, TP. Bến Tre cho rằng: Thông qua chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Đồng khởi, chúng em hiểu hơn về mảnh đất Bến Tre anh hùng. Đặc biệt là vị tướng tài ba Nguyễn Thị Định, là một trong những người đã lãnh đạo thắng lợi phong trào Đồng khởi 1960. Tên tuổi của bà đã gắn liền với danh hiệu “Đội quân tóc dài” huyền thoại, với phương châm đấu tranh “ba mũi giáp công” - sản phẩm độc đáo của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên đất Bến Tre.
“Giờ đây, phong trào Đồng khởi 1960 đã đi vào lịch sử, những người làm nên Đồng khởi trở thành huyền thoại và với lớp trẻ chúng em Đồng khởi mãi mãi là niềm tự hào của thế hệ đoàn viên, thanh niên. Mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, ngày 17-1-1960 đã trở thành một dấu ấn không thể quên trong lòng của mỗi người con xứ Dừa. Khi đọc những trang sử, khi được nghe các cụ, các bác nhất là các bà, các mẹ “Đội quân tóc dài”, những nhân chứng lịch sử kể chuyện về cuộc Đồng khởi năm ấy, trong lòng em không khỏi bồi hồi, xúc động và vô cùng tự hào, biết ơn trước những chiến công cũng như những hy sinh của ông cha quê hương mình”, Hoàng Anh bộc bạch.
Tiếp bước cha anh
Cô Nguyễn Thị Cai, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam bày tỏ: Trong niềm hân hoan, tự hào về những năm tháng đấu tranh gian khổ hy sinh nhưng lắm hào hùng, chúng ta không khỏi bùi ngùi, xúc động nhớ về những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí; trong đó, có rất nhiều chị em đã kiên cường ngã xuống trước họng súng, lưỡi lê của kẻ thù.
Còn nhớ, trong những năm Đồng khởi không biết bao chị em đã bị giặc bắt, tra tấn cực hình, tù đày, trong số đó, không ít chị đã vĩnh viễn nằm xuống lòng đất mẹ. Dù mất mát, hy sinh nhưng mỗi người dân Bến Tre nên tự hào vì kẻ thù đã không lay chuyển được ý chí những người chiến sĩ cộng sản kiên trung trong “Đội quân tóc dài” ngày ấy. Hôm nay, những người dân Bến Tre nói riêng, người dân Việt Nam nói chung không bao giờ quên hình ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Định. Một người phụ nữ Bến Tre tiêu biểu và là một trong những người trực tiếp xây dựng, tổ chức, chỉ huy “Đội quân tóc dài”. Với chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, là dịp để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay lòng tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của ông cha đã làm nên Đồng khởi, đặc biệt là vị nữ tướng tài ba Nguyễn Thị Định.
“Truyền thống nối tiếp truyền thống, cách đây 60 năm, thế hệ cha ông ta đã làm nên phong trào Đồng khởi vẻ vang “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy” thì hôm nay thế hệ trẻ đã và đang đưa tỉnh nhà chuyển mình vươn lên từng ngày. Là người con Bến Tre, đang hoạt động lĩnh vực giáo dục, tôi và đồng nghiệp của mình ra sức rèn luyện đạo đức, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không trực tiếp tham gia vào sản xuất, nhưng bằng tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của mình chúng tôi sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên cho tỉnh nhà. Chính các em là người làm quê hương, đất nước viết tiếp trang sử hào hùng của cha ông trong phong trào Đồng khởi mới”, cô Nhung chia sẻ.
“Là thế hệ tiếp bước truyền thống cha ông và là cán bộ đoàn, em cảm thấy bản thân mình cần có trách nhiệm nhiều hơn trong công cuộc xây dựng quê hương ngày hôm nay. Trước hết sẽ không ngừng học tập và rèn luyện nâng cao phẩm chất, đạo đức cũng như kỹ năng, chuyên môn của bản thân mình. Hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người cán bộ đoàn để góp chút sức của mình làm đẹp cho quê hương, tạo nên một hình ảnh đẹp về người thanh niên xứ Dừa thời đại mới trong mắt người dân địa phương và cả người dân tỉnh bạn cùng du khách quốc tế”, bạn Nguyễn Kim Hoàng Anh bày tỏ.
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2020) và 100 năm Ngày sinh Nữ tướng Nguyễn Thị Định, dự kiến chiều ngày 16-1-2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức chương trình gặp mặt các đại biểu “Đội quân tóc dài”, Bộ đội Thu Hà, cựu nữ thanh niên xung phong. Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi và 100 năm Ngày sinh Nữ tướng Nguyễn Thị Định dự kiến tổ chức 19 giờ 30 phút ngày 16-1-2020 tại Công viên An Hội, TP. Bến Tre và truyền hình trực tiếp trên VTV9, kính mời quý độc giả đón xem. |
Bài, ảnh: P.Tuyết