Từ Đội quân tóc dài đến Bộ đội Thu Hà C710

08/01/2020 - 06:48

BDK - Năm 1964, đơn vị C710 ra đời với tên gọi gần gũi Bộ đội Thu Hà (đơn vị mang tên người chỉ huy Lê Thị Thu Hà). C710 là đơn vị nữ vũ trang đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ. Trải qua giai đoạn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1964 - 1974), đơn vị đã thể hiện sự gan dạ, mưu trí trên từng trận đánh và luôn được nhân dân tin yêu, quý mến.

Đơn vị C710 trong ngày họp mặt 55 năm thành lập đơn vị.

Bộ đội Thu Hà ra đời

Từ phong trào Đồng khởi 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ chuyển từ đấu tranh chính trị lên kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Các đơn vị vũ trang tập trung lần lượt được hình thành.

Do yêu cầu của chiến trường, để có lực lượng làm nòng cốt cho chiến tranh du kích theo phương châm “xuất quỷ nhập thần”, thọc sâu vào vùng địch, diệt ác, trừ gian góp phần bảo vệ cơ sở cách mạng, năm 1964, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định thành lập Đại đội 710. Sự ra đời của đại đội đã kịp thời đáp ứng yêu cầu đánh địch trên địa bàn tỉnh.

Nhân buổi họp mặt kỷ niệm 55 năm thành lập Đơn vị C710 vào đầu năm 2019, cô Lê Thị Thu Hà phát biểu: Vào ngày 4-1-1964, dưới bóng dừa nhà má Tư (ấp Phước Hảo, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày), đồng chí Nguyễn Văn Ba (Mười Phục) được ủy quyền của Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh công bố quyết định thành lập C710. Toàn đơn vị có 46 cán bộ, chiến sĩ, phần lớn được trang bị súng trường bán đỏ trong tay. Tất cả đều là nữ quân nhân xuất thân là những người con gái nông thôn bình thường, đã kinh qua rèn luyện đấu tranh thử thách từ phong trào đấu tranh chính trị trước đó ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, nhưng với lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, C710 đã chiến thắng tất cả các trở ngại, gian nguy xây dựng chiến đấu, trưởng thành.

Sau khi thành lập, đơn vị bước ngay vào xây dựng, huấn luyện. Cô Nguyễn Thị Hồng Thắng (Vũ Hòa) hồi tưởng: Nhiệm vụ ban đầu được phân công thực hiện võ trang tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng xã, ấp chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm, đi đôi với vận động thanh niên tòng quân. Sau đợt vận động võ trang tuyên truyền, đơn vị được điều động chuyển sang phối hợp cùng C690 của tỉnh bao vây bót Lương Phú (Giồng Trôm). Cũng từ đây, hoạt động chiến đấu của C710 chuyển sang bước mới. Thực hiện chủ trương diệt ác, phá kềm, phát động quần chúng xây dựng cơ sở trong vùng địch tạm chiếm, C710 được giao nhiệm vụ với bao khó khăn, thử thách phải vượt qua. Nhưng với ý chí chiến đấu kiên cường, lòng dũng cảm, trí thông minh và tinh thần đoàn kết một lòng của các chiến sĩ, được sự đùm bọc che chở của nhân dân địa phương C710 đã chiến đấu giành thắng lợi.

Những chiến công oanh liệt

Nhớ về những chiến công hào hùng của đơn vị, cô Phạm Thị Hết (Năm Hoa) nguyên là chính trị viên C710 cho biết: Trong số nhiều trận đánh mà C710 tham gia thực hiện, dấu ấn đáng nhớ nhất trong cô là trận diệt mật vụ ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành.

Trận này do cô Năm Hoa trực tiếp chỉ huy hai chiến sĩ Huỳnh Thị Ngọc Sết (Chí Tâm) Võ Thị Lựu (Thanh Hùng) giả làm dân mua gánh bán bưng ở chợ Tân Thạch hòa trong lớp những người nhóm chợ hàng ngày. Sau một tuần theo dõi, các cô đã phát hiện chính xác vị trí tập hợp của bọn mật vụ tại một căn nhà nằm xen kẽ trong khu dân cư rất kín đáo. Ngày 16-1-1966 (ngày 25 tháng Chạp năm Ất Tỵ) kế hoạch hành động được triển khai thực hiện.

Hơn 5 giờ sáng, khi địch vừa mở cửa trước cả Chí Tâm và Thanh Hùng đều quan sát thấy đúng đối tượng cần phải diệt. Cô Năm Hoa ra hiệu Chí Tâm lấy quả lựu đạn từ thúng lá chuối ném nhanh vào cửa trụ sở địch. Thanh Hùng ném liền quả lựu đạn tiếp theo, hai tiếng nổ gần như cùng một lúc. Bọn mật vụ la hét hoảng loạn, bỏ chạy. Lính đồn và bọn thám báo vừa bắn tỉa chỉ thiên vừa chia nhau chặn các ngả đường. Sau đó, tổ của cô Năm Hoa lách theo lối chọn trước rút ra ngoài, được bộ đội địa phương huyện Châu Thành hỗ trợ và đưa về vùng giải phóng. Trận đánh này ta đánh bất ngờ vào tận hang ổ địch, làm 6 tên bị thương, bọn mật thám, lính đồn và lũ tay sai sợ bị trừng trị tiếp đã lơi lỏng kiểm soát nhân dân. Nhờ thế, cơ sở cách mạng và cán bộ địa phương bám được vào địa bàn tiếp tục hoạt động.

Theo cô Thu Hà, trong thời  kỳ này, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ yếu là đánh lẽ, diệt ác trong lòng địch, nhiệm vụ bảo đảm trinh sát chiến đấu đó là nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường đánh chiếm thị trấn Mỏ Cày. Sau hàng loạt những trận đánh giành thắng lợi, đơn vị được cấp trên chỉ đạo bước vào cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tham gia đợt Tổng tiến công này, C710 được chia làm 3 mũi trinh sát đánh vào các mục tiêu căn cứ D10 trại giam tỉnh, Dinh tỉnh trưởng và hướng từ cầu Bà Mụ trở vào. Đợt tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 các mũi trinh sát do C710 phụ trách đều hoàn thành nhiệm vụ.

Tại buổi họp mặt, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Đại tá Nguyễn Minh Hùng phát biểu: Từ khi thành lập đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975, Đại đội 710 luôn chiến đấu kiên cường, mưu trí sáng tạo, lập nhiều chiến công hiển hách, được Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tin tưởng quý mến. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại đội 710 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 22-2-2010. Đó là vinh dự tô đẹp thêm truyền thống “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang” của những người phụ nữ “Nam Bộ thành đồng” trên quê hương Đồng Khởi anh hùng. Những thành tích của Đại đội 710 được lịch sử ghi nhận.

Đầu năm 1974, do yêu cầu của chiến trường và xét thấy tính chất hoạt động của đơn vị nữ không còn phù hợp, C710 được giải thể. Cán bộ, chiến sĩ được phân tán về công tác tại các bộ phận của Tỉnh đội. Có nhiều chiến sĩ trưởng thành được đưa đi học, bồi dưỡng, đào tạo, nhận chức vụ cao hơn trong các đơn vị cơ quan của Miền, Quân khu 8 và của tỉnh. Hiện nay, các cô, các dì là chiến sĩ đơn vị C710 năm xưa đã thành lập Ban liên lạc C710 đầu năm 2019, đơn vị đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 55 năm thành lập đơn vị.

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN