Tăng cường truyền thông về bỏ thuốc lá.
Tỷ lệ người hút thuốc lá cao
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người. Trong đó, có hơn 5 triệu người đã và đang hút thuốc. Hơn 600 ngàn người không hút thuốc nhưng tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Khoảng 40 ngàn ca tử vong mỗi năm, tức hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70 ngàn người vào năm 2030. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới, với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc thấp hơn, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành.
Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá cao trong việc ban hành các văn bản phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL). Tháng 11-2004, Chủ tịch nước đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Tháng 6-2012, Quốc hội thông qua các quy định của Công ước khung, Luật PCTHTL và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013; Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật PCTHTL về một số biện pháp PCTHTL và các văn bản hướng dẫn thi hành khác. Luật đã quy định toàn diện về quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác PCTHTL; các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm cung và giảm cầu thuốc lá, các điều kiện bảo đảm để PCTHTL.
Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác PCTHTL thực hiện có hiệu quả Luật PCTHTL. Hoạt động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 so với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống còn 21,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.
tiến tới một xã hội khỏe mạnh
Bộ Y tế có Công văn số 4097 ngày 19-5-2021, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình dịch Covid-19 tại địa phương cùng phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối về PCTHTL tại tỉnh tổ chức các hoạt động phù hợp, thiết thực, ý nghĩa, nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5-2021, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31-5-2021.
Hình thức tuyên truyền như: treo băng-rôn, khẩu hiệu về chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá; truyền thông trên hệ thống loa phát thanh xã, phường. Nội dung thông tin đại chúng, chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá; lợi ích của việc bỏ thuốc lá, các biện pháp cai nghiện thuốc lá; tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc. Các nơi cấm, gồm: trường học, cơ sở y tế, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, thư viện, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng; không sử dụng thuốc lá trong các lễ hội, đám cưới, đám tang; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật PCTHTL.
Cũng theo WHO, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá. Trong đại dịch Covid-19, có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc lá vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.
Tiếp tục tăng cường thực thi Luật PCTHTL, Bộ Y tế kêu gọi mọi người hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, loại bỏ thói quen hút thuốc trong nhân dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh, với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.
Năm 2021, WHO chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của tổ chức này. |
Bài, ảnh: Phan Hân