Trọn nghĩa với nước non, vẹn tình cùng đồng đội

03/01/2024 - 05:38

BDK - Bộ đội Thu Hà (c710) là đơn vị nữ vũ trang đầu tiên của tỉnh, được thành lập vào đầu năm 1964, với quân số ban đầ̀u 46 chiến sĩ nữ, dần dần phát triển lên hàng trăm chiến sĩ. Mặc dù thời gian trực tiếp chiến đấu chỉ khoảng mười năm nhưng các cô, các chị đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu và phối hợp chiến đấ́u cùng các đơn vị vũ trang của tỉnh giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, tô thắ́m thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Bến Tre nói riêng.

Ban liên lạc c710 họp mặt kỷ niệm 30 năm ngày thành lập đơn vị. Ảnh: Tư liệu

Trọn nghĩa với nước non

Đó là ngày 4-1-1964, tại nhà bà má Tư, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam, đồng chí Mười Phục đã thay mặt Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh công bố Quyết định thành lập đơn vị c710 với quân số khởi đầu 46 chiến sĩ. Đồng chí Lê Thị Điệp (Thu Hà) vinh dự, tự hào được đề bạt làm trung đội trưởng, đồng chí Ngô Thị Cống (Mười Thành) được cử làm Bí thư kiêm Chính trị viên, đồng chí Phạm Thị Hết (Năm Hoa) làm trung đội phó. Phiên hiệu của đơn vị là c710 nhưng thực chất quân số chỉ là một trung đội được tổ chức thành 3 tiểu đội, được trang bị 30 súng bộ binh các loại, trong đó có 2 súng ngắn, còn lại là tiểu liên và súng trường K44.

 Tuy biên chế chưa đủ nhưng đơn vị đã tổ chức chặt chẽ, công tác, hoạt động, tác chiến độc lập như một đơn vị vũ trang, làm nòng cốt trong phong trào du kích chiến tranh, vừa làm công tác vũ trang tuyên truyền đi vào vùng yếu, vùng sâu, phát động quần chúng chống lại âm mưu tập trung dân lập ấp chiến lược, vận động thanh niên tòng quân, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, trực tiếp điều nghiên, xuất quỷ nhập thần, thọc sâu vào vùng yếu của địch để trừ gian, diệt bọn ác ôn, đầu sỏ địch.

Với đặc thù của chiến trường Bến Tre là bưng biền, địa hình sông ngòi chia cắt, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách to lớn để bám trụ, tạo thế công khai, hợp pháp hoạt động, khi được lệnh của cấp trên hoặc sự phân công của tổ chức, đơn vị phải có mặt kịp thời, phối hợp chiến đấu đúng kế hoạch hoặc thường xuyên điều nghiên, trinh sát để báo cáo tình hình và xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến của đơn vị. Với cách đánh sáng tạo, dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh, vượt qua định kiến ban đầu về phụ nữ “chân yếu tay mềm”, các chiến sĩ c710 vừa đánh công đồn vừa thọc sâu vào hang ổ kẻ thù, vừa chiến đấu kết hợp với vận động quần chúng, vừa phục vụ chiến đấu chống bình định cấp tốc của địch. Lòng căm thù giặc sục sôi, ý chí kiên cường, lòng quyết tâm cao ngất là hành trang, là vũ khí để đối mặt với kẻ thù, là mục tiêu tiến công trong mỗi trận đánh của đơn vị.

Trận đầu ra quân của đơn vị c710 đã phối thuộc với d516 và c690 bao vây đồn Công sở thuộc xã Lương Phú do tên cai tổng Gẩm chỉ huy khoảng một đại đội bảo an và dân vệ trong vòng một tháng mới hạ được đồn nhưng đơn vị vẫn bảo toàn lực lượng, tinh thần chị em vẫn an tâm dù trước đó phải trầm mình dưới công sự dài ngày hay núp dưới làn đạn, pháo cối của địch bắn vung vãi trên đầu. Hay như trận diệt ác giữa ban ngày ở Cái Mơn, Chợ Lách do Trung đội trưởng Thu Hà và Tiểu đội trưởng Thắng Lợi trực tiếp tham gia diệt và làm bị thương 13 tên địch; trong đó, có hai tên ác ôn khét tiếng và còn nhiều trận chiến đấu khác khi phối thuộc với các đơn vị vũ trang của tỉnh hoặc đơn vị độc lập tác chiến. Đơn vị c710 tham gia chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ và đều giành thắng lợi, dù vẫn có một phần mất mát hy sinh (12 cô hy sinh, 14 cô bị thương, 7 cô bị địch bắt tù đày). Song đó là sự hy sinh chính nghĩa, góp phần làm nên chiến công oanh liệt của đơn vị, làm cho bọn địch kinh hồn bạt vía khi nghe danh Bộ đội Thu Hà.

Từ nét đặc trưng của đơn vị toàn là phụ nữ cộng với kết quả chiến đấu xuất sắc sau những trận công đồn tiêu diệt được hàng trăm tên địch trong khi tương quan lực lượng rất lớn đã tạo nên “tiếng lành đồn xa”, đơn vị được cấp trên đánh giá rất cao, lãnh đạo tin tưởng, nhân dân thương yêu đùm bọc và ít khi dùng tên gọi đơn vị mà gọi luôn tên người chỉ huy đơn vị - Bộ đội Thu Hà và tên gọi thân thương ấy vẫn còn đến hôm nay và mãi về sau, đó cũng là  niềm vinh dự, tự hào và là những kỷ niệm đẹp trong đời để mỗi dịp gặp lại nhau, các cô đều hỏi nhau và không ai trả lời mà chỉ nở nụ cười mãn nguyện: Sao lúc đó mình “gan” quá vậy? Sao mình bắn hàng giờ Trường bá đỏ mà không biết mệt? Sao mà cuộc sống nữ quân nhân thật ngây thơ, trong sáng đến mức lạ thường, người ta gửi thư tình cho mình mà đem ra đọc cho cả trung đội nghe, chuyền tay nhau xem, vậy là sao? Tình yêu người lính sao mà cao đẹp quá, thánh thiện như trong cổ tích…

Vẹn tình cùng đồng đội

Trở về cuộc sống đời thường như bao người phụ nữ khác, các cô, các chị cũng tất bật lo toan, cần cù, chịu thương, chịu khó, vươn lên xây dựng cuộc sống, vun đắp hạnh phúc gia đình để giảm bớt phần nào gánh nặng cho xã hội, tiếp tục đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương, đất nước. Song quy luật thời gian, tạo hóa “Sinh, lão, bệnh, tử” không thể dừng lại. Hôm nay đa phần các cô đã qua cái tuổi “thất thập”, các cô chỉ huy ngày đầu thành lập đơn vị giờ đã ngoài 80 - 90 tuổi, các cô được bổ sung sau ngày thành lập cũng đã ngoài 70, nhưng các cô Bộ đội Thu Hà không hề sợ tuổi già, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình khó khăn mà trong các cô vẫn vẹn nguyên một tình yêu bao la với đồng chí, đồng đội, với quê hương, đất nước như ngày nào.

Cựu chiến binh c710 viếng Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập đơn vị. Ảnh: Kim Loan

Cô Lê Thị Điệp (Thu Hà), người Trung đội trưởng năm xưa, nay đã 82 tuổi, đang sống tại Phường 14, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, những năm gần đây, sức khỏe cô không được tốt do nhiều chứng bệnh nan y ảnh hưởng trong chiến tranh, tù đày, cô đi lại rất khó khăn. Biết không thể về dự họp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập cùng đơn vị, cô chủ động gọi điện trao đổi với Ban Liên lạc các nội dung, chương trình họp mặt phải chuẩn bị thật chu đáo. Nhắc nhở, dặn dò từng công việc, làm thế nào để chị em về dự họp mặt đông đủ, đặc biệt là lãnh đạo địa phương, các cơ quan, đơn vị, các đồng chí có công giúp đỡ, phối thuộc để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, như vậy buổi họp mặt mới thật vui tươi, ấm áp và thật ý nghĩa. Do đơn vị đã giải thể khá lâu, các cô đều lớn tuổi, bệnh tật, sống phụ thuộc con cháu, có cô hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc đi lại cũng không dễ dàng nên cô Thu Hà đã vận động các cô có điều kiện kinh tế hỗ trợ với Ban Liên lạc ủng hộ kinh phí để giúp đỡ các cô trong đơn vị có chút lộ phí về dự họp mặt, rồi vận động để có quà tri ân tất cả các cô trong đơn vị.

Nhớ lần họp mặt kỷ niệm 55 năm thành lập đơn vị, cô đã tích cực vận động mạnh thường quân cùng với đóng góp của gia đình được hơn 100 phần quà để tặng bà con, gia đình chính sách ở xã Tân Thiềng (Chợ Lách), nơi đơn vị đóng quân. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên giúp đỡ, hỡ trợ  bằng vật chất cho chị em trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, hiếu hỉ từ nguồn lương hưu và thu nhập của gia đình. Cô nói “đó là niềm vui nhất của cô”. Với tình cảm của một người chị vẫn vẹn nguyên trong cô cùng mối quan hệ thân quen lúc còn công tác, nên khi biết được một số cô gia đình khó khăn về nhà ở, cô Thu Hà đã vận động xây dựng được 3 nhà tình nghĩa tặng cho 3 cô trong đơn vị và 100 triệu đồng gây quỹ cho Ban Liên lạc. Là người con của quê hương Bình Đại, cô cũng rất nặng lòng với những mảnh đời khó khăn ở quê nhà. Cô đã vận động mạnh thường quân, bạn bè, người thân 8 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách khó khăn ở huyện...

Nhân họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập đơn vị, tuy cô không tham dự được nhưng cô vẫn theo dõi mọi hoạt động của Ban Liên lạc và chuyển lời tri ân lãnh đạo tỉnh nhà đã quan tâm động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị suốt những năm qua. Trong những lần họp mặt, cô thăm hỏi tất cả chị em đơn vị, mong chị em luôn giữ gìn phẩm chất và phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của đơn vị c710 anh hùng, nêu gương cho con cháu để gia đình chị em sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu.

Cùng kề vai sát cánh với người Trung đội trưởng Thu Hà những ngày đầu thành lập là Chính trị viên Ngô Thị Cống (Mười Thành), hiện ngụ tại Phường 8, TP. Bến Tre. Tuy nay cô đã ngoài 90 tuổi nhưng trông cô còn khỏe mạnh, minh mẫn lắm. Dù đã rời quân ngũ khá lâu nhưng trong cô vẫn vẹn nguyên phong cách Bộ đội Cụ Hồ. Mặc dù thời gian gắn bó với c710 không dài nhưng những ngày đầu thành lập đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cô về tình cảm chị em, đồng chí, đồng đội. Nhớ lại ngày đầu thành lập Ban Liên lạc c710, cô là Phó ban, do sau ngày giải phóng, đa phần chị em xuất ngũ trở về gia đình, mỗi người mỗi hoàn cảnh, tìm thông tin để liên lạc kết nối nhau rất khó khăn, lúc đầu được trên chục người, từ đây liên lạc, kết nối dần dần lúc tập trung đầy đủ nhất khoảng trên trăm người nhưng do tuổi cao, bệnh tật... con số này giảm dần hàng năm. Có được niềm vui đó là công sức không nhỏ của cô Mười Thành - người chị cả của đơn vị năm xưa. Khi trở về cuộc sống đời thường, cô vừa tần tảo nuôi dạy ba người con khôn lớn (vì chồng hy sinh), vừa tham gia công tác ở địa phương.

Cô nhớ lại: Địa phương thấy hoàn cảnh cô quá nghèo đã vận động xin cho cô được căn nhà tình nghĩa 20 triệu đồng, cô xin ý kiến địa phương, tuy cô không khá giả nhưng cũng đủ điều kiện cất được căn nhà để mẹ con trú ngụ, nên căn nhà này dành cho gia đình chính sách khó khăn khác, địa phương không đồng ý vì đã làm hồ sơ cho gia đình cô, cô trình bày và quyết tâm xin chuyển cho một đồng đội của cô 15 triệu đồng để sửa nhà và ủng hộ xây dựng Nhà bia Liệt sĩ thị xã Bến Tre 5 triệu đồng, vậy là cô rất vui có động lực để tiếp tục đi vận động bạn bè, người thân giúp đỡ các cô ốm đau, bệnh tật và sửa được một căn nhà cho gia đình cách mạng từng nuôi giấu cô trong kháng chiến.

Hiện nay, mỗi tháng cô thu nhập từ nguồn lương hưu, trợ cấp thương binh, tù đày, gia đình liệt sĩ khoảng hơn 8 triệu đồng nhưng cô vẫn trích một phần để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương hoặc các cô trong đơn vị ốm đau, bệnh tật, hiếu hỉ, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn của đồng chí, đồng đội đơn vị năm xưa.

Từ Phường 8, TP. Bến Tre, tôi ngược về huyện Châu Thành, đến ấp Phú Hữu, xã Hữu Định thăm cô Nguyễn Kim Nương (Nguyễn Minh Phượng) nguyên chiến sĩ Bộ đội Thu Hà, nguyên Huyện đội phó huyện Châu Thành, hiện là Phó ban Liên lạc c710. Cô bồi hồi nhớ lại: Năm 1964, khi mới 14 tuổi, cô tình nguyện tham gia cách mạng, vào Huyện đội Thạnh Phú, năm 1968 được bổ sung về c710, gắn bó với đơn vị nữ khoảng 4 năm. Tuy thời gian không dài nhưng đó là dấu mốc quan trọng đối với cuộc đời binh nghiệp của cô khi được trực tiếp tham gia chiến đấu và phối thuộc chiến đấu giành nhiều thắng lợi lớn, góp phần tạo nên tiếng vang của Bộ đội Thu Hà. Thời gian ở c710 đúc kết được nhiều kinh nghiệm ở chiến trường làm hành trang khi nhận nhiệm vụ Huyện đội phó. Chính điều đó đã để lại dấu ấn sâu nặng trong cô đối với đơn vị c710. Khi trở về cuộc sống đời thường, với chế độ hưu trí, kinh tế gia đình tạm ổn định nên làm được việc gì giúp ích tri ân đồng chí, đồng đội năm xưa cô đều tích cực tham gia. Nhờ mối quan hệ công tác trước đây, cô đã vận động quyên góp xây dựng được 4 nhà tình nghĩa cho các đồng chí đặc biệt khó khăn, hỗ trợ xin việc cho con em đồng đội có việc làm, ổn định cuộc sống.

Đã sáu mươi năm trôi qua, nhưng hình ảnh áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ của những nữ chiến sĩ c710 với những chiến công vang dội qua hàng trăm trận chiến đấu lớn nhỏ là dấu son kỷ niệm khó phai trong lòng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Các cô c710, Bộ đội Thu Hà, “Đội quân tóc dài” cầm súng năm xưa dù hôm nay ở đâu, trong hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ vững truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sống xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập noi theo.

Dù đơn vị c710 chỉ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong 10 năm (1964 - 1974) nhưng đã góp phần làm rạng rỡ thêm tên đất, tên người Bến Tre, quê hương “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”. Những chiến công của đơn vị góp phần tô thắm lá Quân kỳ Quyết chiến, Quyết thắng của Lực lượng vũ trang Bến Tre, để hôm nay âm vang Bộ đội Thu Hà vẫn còn mãi mãi.

Kim Loan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN