Trở lại làng chổi An Hòa

25/08/2009 - 09:06

Ai có về Mỹ An (Thạnh Phú), không thể không nghe về làng nghề bó chổi An Hòa. Nghe kể lại rằng, từ chỗ nghèo khó khi còn thời gian nhàn rỗi, người dân ở đây đã nghĩ tới việc bó chổi, vừa để vệ sinh quanh nhà, vừa có thừa chia lại bà con lối xóm sử dụng. Làng nghề được hình thành trên cơ sở đó.

Một lần về thăm làng, một người dân đã nghĩ đến việc đưa cây chổi An Hòa ra khỏi “biên giới”  huyện. Từ vài trăm cây chổi hàng tháng, đến nay chỉ riêng điểm của anh Nguyễn Văn Bảo (Bảy Bạo), Chi hội trưởng Cựu chiến binh của ấp một tháng đã cho ra khoảng 8.000 cây chổi lớn, nhỏ. Trao đổi thêm, anh Bảy cho biết: Để có được số chổi trên phải tốn khoảng 4.000 kg chà (cọng dừa, cọng lá). Hiện nay, cơ sở của anh mua cọng dừa xanh giá 8.000 đồng/kg, cọng lá dừa nước 4.400 đồng/kg, cọng dừa khô rẻ nhất giá 3.700đ/kg. Số lượng 4 tấn chà cho ra khoảng 6.000 cây chổi lớn, giá 1 cây hiện tại là 5.500 đồng, tiền công bó 1 cây là 1.000 đồng, bình quân 1 lao động 1 ngày bó 50 cây, người bó giỏi lên đến 60 cây/ngày. Số 2.000 còn lại là chổi lỡ (giá 3.000 đồng/cây) và chổi nhỏ (giá 1.600đ/cây). Không tính những người giao nguyên liệu, cơ sở anh Bảy có 12 lao động mỗi ngày làm việc từ 8 đến 10 giờ. Bình quân mỗi lao động  có thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Em Nguyễn Linh Tuấn, năm nay lên lớp bảy, hè này mỗi tháng em kiếm được 900.000 đồng (bình quân mỗi ngày em bó 60 cây chổi nhỏ, công 1cây là 500 đồng). Theo lời anh Bảo, sau khi bỏ hết chi phí, anh chị còn kiếm được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hỏi thêm về làng nghề, anh Bảy cho biết: Cả ấp có khoảng 30 điểm sản xuất tầm cỡ như cơ sở của anh, giải quyết được vài trăm lao động.
Từ khi nghề mới thịnh hành cộng với nghề sản xuất truyền thống của địa phương (cây lúa, vuông tôm...), đời sống người dân trong ấp đã vươn lên khá, cảnh quá khó khăn như ngày xưa đang dần lùi xa. Một vấn đề đáng quan tâm là chổi của người dân làm được còn bán qua nhiều trung gian, giá “xuất xưởng” so với giá bán lẻ chênh lệch khá cao, người làm chổi mất đi một khoản lớn, nhưng vì sao chưa tìm được lối ra, phải chăng chưa có người tiếp cận thị trường. Xã Mỹ An và huyện Thạnh Phú cũng cần quan tâm đến vấn đề này để tiếng của làng nghề bay xa hơn và người dân làng An Hòa có thêm thu nhập.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN