|
Người Triều Tiên biểu tình lên án nghị quyết mới của LHQ tại Thủ đô Bình Nhưỡng |
Hàng chục nghìn người Triều Tiên hôm qua (15/6) đã xuống đường biểu tình tại Bình Nhưỡng để lên án việc Liên hợp quốc thông qua lệnh cấm vận nước này sau vụ thử hạt nhân ngày 25/5.
Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ 11 địa điểm ngầm mà họ cho là Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân lần ba, theo báo JoongAng Ilbo của Seoul.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang khi vào hôm thứ Bảy, Bình Nhưỡng tuyên bố đẩy nhanh chương trình chế tạo bom hạt nhân bằng việc sản xuất thêm nhiều plutonium và uranium.
Triều Tiên cũng đe doạ chiến tranh với bất cứ nước nào cố gắng ngăn tàu thuyền của họ như một phần đã nêu trong nghị quyết mới của LHQ.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hôm nay đã rời Seoul tới Washington chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Barack Obama vào ngày mai, mà vấn đề Triều Tiên được coi là tâm điểm
Tại Bình Nhưỡng, đám đông người biểu tình đã đứng chật quảng trường chính của thủ đô trong cuộc mít ting lên án nghị quyết mới của LHQ, những cảnh quay từ APTN tại Triều Tiên cho thấy như vậy. Ước tính có khoảng 100.000 người tham dự.
Triều Tiên được cho là có đủ plutonium để làm ít nhất sáu quả bom nguyên tử. Tuần trước, quan chức chính phủ Mỹ nhấn mạnh Bình Nhưỡng có thể chuẩn bị tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân mới.
Triều Tiên cũng cảnh báo không thể đảm bảo an toàn cho các tàu hải quân Hàn Quốc và Mỹ đi lại gần vùng biên giới biển còn tranh cãi. Chỉ huy hải quân Hàn Quốc cũng tuyên bố, chạm trán trên biển có thể “xảy ra bất cứ lúc nào” và lực lượng của ông đã chuẩn bị.
Tuy nhiên, trong hôm nay, bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết chưa phát hiện ra động thái bất thường nào từ phía quân đội Triều Tiên.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hyun In-Taek hôm nay cho biết, Bình Nhưỡng có thể đã phát triển một chương vũ khí nguyên tử bí mật trong bảy, tám năm qua bất chấp từng tham dự các cuộc hội đàm giải trừ hạt nhân.
Theo ông Hyun In-Taek, Triều Tiên không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân thậm chí các chính phủ Seoul trước đây từng thực hiện chính sách “Ánh dương” hướng tới hoà giải.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc đã đưa ra tuyên bố trên trước quốc hội. Ông tin là chương trình làm giàu trên thực tế đã tồn tại nhiều năm.
Hội đàm sáu bên bắt đầu từ 2003 và bốn năm sau thì đạt được một thoả thuận dẫn tới việc Triều Tiên chấp thuận giải trừ hạt nhân để đổi lại viện trợ cùng nhiều lợi ích khác.