Triển vọng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

01/07/2019 - 06:19

BDK - Đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố đã hoàn thành cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp (KN) năm 2019 ở cấp huyện, với gần 500 ý tưởng, dự án. Qua đó, đã có trên 70 bài dự thi gửi về ban tổ chức cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, dự án KN tỉnh Bến Tre lần thứ 3 năm 2019. Kết quả đánh giá, có nhiều ý tưởng, dự án có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, khả thi, có thể thương mại hóa tốt và đang được hỗ trợ triển khai vào thực tế.

Nguyễn Thị Ngọc Ân (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) với sản phẩm chuối sấy.

Nhiều dự án thiết thực

Chị Võ Thị Tố Quyên - Quyền Bí thư Huyện Đoàn Thạnh Phú nhận định, chất lượng cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, dự án năm 2019 cao hơn lần trước. Hầu hết KN tập trung vào khai thác tài nguyên bản địa, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế tại địa phương, cụ thể là ngành phát triển thủy sản, sản xuất nông nghiệp.

Như dự án thuộc lĩnh vực thủy sản của giáo viên Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1980), Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Thạnh Phú) và các học sinh của trường là Võ Tường Vy, Mai Thị Hạnh Nguyên cùng tham gia. Dự án “Sản xuất chế phẩm OCLT (gồm ổi, măng cụt, lựu, than) dùng để trị và phòng bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng” nhằm giải quyết tình trạng bức xúc của người chăn nuôi tôm thẻ chân trắng, qua đó tìm giải pháp nuôi tôm bền vững theo hướng an toàn sinh học, giúp cung cấp nguồn sản phẩm tôm khỏe, sạch và an toàn cho người sử dụng, gắn với phát triển du lịch địa phương.

“Bên cạnh các dự án, một số ý tưởng cũng đang được triển khai thực hiện rất khả thi. Các địa phương tích cực hỗ trợ sau cuộc thi. Về phía Huyện Đoàn cũng kết nối nhận các hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm. Đặc biệt tại huyện Thạnh Phú, học sinh tham gia nhiều hơn khối thanh niên, nguyên nhân do đội ngũ giáo viên các trường quan tâm khơi gợi, bồi dưỡng, ươm tạo và đồng hành, hỗ trợ các em triển khai ý tưởng”, Quyền Bí thư Huyện Đoàn Thạnh Phú Võ Thị Tố Quyên cho biết thêm.

Với ý tưởng “Sản xuất áo phao từ chai nhựa đã qua sử dụng” của nhóm học sinh lớp 11A1, Trường THPT Trần Văn Ơn là Nguyễn Ngọc Thiện và Phạm Minh Tâm cũng xuất phát từ nhu cầu bức thiết của các em trong cuộc sống, đồng thời hưởng ứng tích cực chủ trương giảm thải rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Theo nhóm tác giả, lý do có ý tưởng này vì những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em, học sinh. “Mô hình sản xuất áo phao từ chai nhựa qua sử dụng nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu chai nhựa có sẵn tại trường, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Chi phí đầu tư thấp, góp phần bảo vệ môi trường, có hiệu quả xã hội”, nhóm học sinh cho biết.

Hay ý tưởng “Thiết bị hỗ trợ tài xế xe ô tô, xe gắn máy khi bị tai nạn hoặc bị cướp” của học sinh. Đây là thiết bị tham dự cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh năm 2018-2019 và đạt giải tư. Thiết bị nhỏ gọn có thể lắp vào xe khó phát hiện. Về khả năng áp dụng, người dùng dễ dàng lắp đặt vào các loại xe máy, có thể định vị xe bằng cách gửi tin nhắn SMS cho thiết bị bằng điện thoại; có thể bật/tắt xe máy từ xa bằng cách gửi tin nhắn SMS cho thiết bị bằng điện thoại, có thể bật/tắt còi báo động từ xa bằng cách gửi tin nhắn cho thiết bị bằng điện thoại. Khi bị tai nạn hoặc va chạm, thiết bị sẽ tắt máy, nhắn tin báo vị trí bị tai nạn và gọi điện cho gia đình…

Khai thác tài nguyên bản địa

Ý tưởng “Làm hoa handmade từ phế phẩm thiên nhiên - vỏ bắp” của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thư, Nguyễn Thị Trang, Ngô Thị Bích Hằng, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam (cùng sinh năm 2002) cũng đã gây ấn tượng khá đặc biệt cho ban giám khảo tại cuộc thi KN cấp huyện vừa qua. Ý tưởng này nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, vốn dĩ chỉ để bỏ đi để tạo ra sản phẩm khác biệt, góp phần đa dạng dòng sản phẩm hoa handmade trên thị trường hiện nay, vừa giải quyết việc làm, vừa tạo doanh thu. Phân tích lợi thế cạnh tranh, nhóm tác giả cho rằng, so với các loại hoa vải, hoa giấy, hoa vỏ bắp từ thiên nhiên, gần gũi, thân thiện môi trường, đậm nét mộc mạc, giản dị, sử dụng được trong thời gian dài, giá cả không lệ thuộc nhiều vào các thời điểm lễ, tết.

Hay ý tưởng “Phát triển nuôi ong nội địa bằng vật liệu nhựa ve chai, phế thải” của anh Khổng Hữu Đức (xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam). Hoạt động này có thể kết hợp làm du lịch, giảm thiểu rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Dương Văn Phúc - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, dự án KN lần 2 năm 2019 có 128 bài dự thi. Kết quả có 11 ý tưởng vào chung kết và xếp hạng cấp huyện. Tổng giải thưởng trao tại hội thi 29 triệu đồng. Trong đó, có nhiều ý tưởng, dự án khả thi, đoạt giải cao và có triển vọng ươm tạo, phát triển.

Điển hình như dự án “Chuối sấy trong nhà kính” của bạn Nguyễn Thị Ngọc Ân (xã Tân Phú, Châu Thành) đoạt giải nhì cuộc thi cấp huyện. Theo Ân, bạn xuất thân từ gia đình làm nông và có một tình yêu mãnh liệt với nông nghiệp, đồng thời với niềm đam mê kinh doanh từ thuở bé, Ân ước mơ sẽ có nhãn hiệu thành công như Vinamit, đưa trái cây Việt Nam ra thế giới.

Ý tưởng giải nhất tại cuộc thi là “Thiết kế tour trải nghiệm Làng nghề Bến Tre, giao lưu đờn ca tài tử tại huyện Châu Thành, Giồng Trôm”. Đây là ý tưởng của nhóm Châu Phát Tài, Nguyễn Ngọc Thiện - học sinh lớp 11A1, Trường THPT Trần Văn Ơn (Châu Thành). Lý do nhóm hình thành ý tưởng là vì có cùng sở thích, đam mê lĩnh vực du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đến địa phương, tạo nên những dịch vụ mới để khôi phục làng nghề trên địa bàn tỉnh như Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc… giải quyết việc làm cho người dân.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN