Triển vọng du lịch từ văn hóa miệt vườn

07/08/2019 - 07:39

BDK - Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân tại huyện Chợ Lách phát triển du lịch tại hộ gia đình bằng cách cho du khách tham quan vườn cây ăn trái, hoa kiểng và thưởng thức đặc sản ngay tại vườn của mình. Mô hình này hy vọng sẽ khởi sắc khi tỉnh đang có dự án xây dựng Làng Văn hóa du lịch (VHDL) Chợ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn.

Du khách tham quan khu lưu niệm nhà bác học Trương Vĩnh Ký tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Điểm nhấn của du lịch khu vực

Từ lâu, vùng đất Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) nổi tiếng với đặc sản cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm và làng nghề hoa kiểng, cây giống lớn nhất cả nước. Nơi đây đang được địa phương quy hoạch, xây dựng làng VHDL trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn. Đề án phát triển Làng VHDL huyện Chợ Lách đã được Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) và UBND tỉnh có ý tưởng, khảo sát, lập đề án từ cuối năm 2017. Tỉnh đã lựa chọn 4 ấp (làng) của 4 xã gồm: ấp Vĩnh Nam (Vĩnh Thành), Đông Kinh (Vĩnh Hòa), Lân Đông (Phú Sơn) và An Hòa (Long Thới) thuộc huyện Chợ Lách để  đăng ký  tham gia  xây dựng mô hình Làng VHDL trong chương trình OCOP (Mỗi làng một sản phẩm).

PGS, TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXHNV cho rằng, làng VHDL sẽ trở thành điểm nhấn của du lịch khu vực miền Tây Nam Bộ. Sản phẩm du lịch ở đây là những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Chợ Lách gắn kết với những sản phẩm nông nghiệp. Du khách đến làng VHDL Chợ Lách không đơn thuần để ngắm hoa, cây kiểng, vườn cây mà còn được chuyển tải giá trị nhân văn, văn hóa, phong tục tập quán, niềm tự hào vùng đất địa linh nhân kiệt...

Gần đây, tại làng hoa giấy ở ấp Lân Đông (xã Phú Sơn) đã bắt đầu phát triển dịch vụ du lịch cho khách phương xa. Nơi đây đã thành lập tổ hợp tác sản xuất hoa giấy với 100 hộ tham gia trên diện tích 37ha. Trung bình mỗi năm nơi đây xuất bán khoảng 700 ngàn sản phẩm hoa giấy đủ các chủng loại, màu sắc. Nông dân Phan Văn Huyện, thành viên tổ hợp tác cho hay: “Hàng năm gần tới dịp Tết Nguyên đán là con đường vào làng tràn ngập sắc hoa nên có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến đây tham quan, chụp ảnh. Mấy năm nay, người dân bắt đầu quan tâm đến việc phát triển du lịch gắn với làng nghề như: xây dựng điểm dừng chân, cho khách tham quan, dịch vụ ăn uống....”. Còn nông dân Mai Hồng Thảo, ngụ ấp Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành) xây dựng điểm du lịch tại nhà bằng cách cho khách du lịch tham quan vườn sầu riêng rộng khoảng 5ha của gia đình. Đặc biệt, du khách không tốn bất cứ một chi phí nào để vào cổng mà chủ vườn chỉ bán sầu riêng sạch cho du khách thưởng thức ngay tại vườn.

Ông Thảo cho hay: “Gia đình tôi làm du lịch như vậy được 7 năm, thu hút rất nhiều khách du lịch. Thu nhập từ bán sầu riêng chín cây, sạch ngay tại vườn sẽ gấp đôi so với những hộ bán cho thương lái”.

Phát huy lợi thế bản địa

Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Tất Thắng nhận định, Bến Tre là tỉnh điểm trong triển khai thực hiện chương trình OCOP quốc gia. Trong thời gian qua, việc xây dựng NTM của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy các thế mạnh về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy nội lực từ chính tiềm năng phát triển OCOP và du lịch nông thôn.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng, phát triển du lịch nông thôn gắn với NTM dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp, môi trường sinh thái, văn hóa luôn được tỉnh quan tâm nhằm thu hút khách du lịch, gia tăng sản phẩm từ nông nghiệp. Để nông nghiệp phát triển thì không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy, cách tổ chức sản xuất theo OCOP, đầu tư công nghệ, liên kết sản xuất... Trong đó, sự hưởng ứng, thay đổi của cộng đồng dân cư mang tính chất quyết định. Nông dân sẽ liên kết lại để phát triển là giá trị cốt lõi của du lịch cộng đồng tại Làng VHDL Chợ Lách.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế về phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, huyện Chợ Lách có thế mạnh về vườn cây ăn quả, làng cây kiểng, nơi sinh của nhà bác học Trương Vĩnh Ký... Muốn phát triển du lịch cộng đồng ở nông thôn thì điều đầu tiên quyết định sự thành công là phải được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư nơi đó. Từng hộ dân phải phát huy hết những lợi thế của gia đình mình. Sau đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm một phần thì mô hình sẽ thành công. Các sản phẩm du lịch nên gắn liền với lịch sử truyền thống, du khách cần trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn.

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN