Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP

25/12/2024 - 11:37

BDK - Sản xuất và phát triển sản phẩm (SP) theo định hướng của Chương trình Mỗi xã một SP (OCOP) là một trong những giải pháp phù hợp, khả thi mà tỉnh đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả để từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh.

Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương được quan tâm phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Cẩm Trúc

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, tỉnh đã xây dựng và hoàn thành đề án, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá SP thế mạnh phát triển theo định hướng OCOP của tỉnh tiếp cận các thị trường tiêu thụ tiềm năng. Đặc biệt, Bến Tre tích cực tham gia trưng bày các SP tại các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh. Các SP dần được hoàn thiện theo hướng phát huy các giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc gắn với cải tiến dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường… Từ đó, góp phần đưa SP nông nghiệp của tỉnh vào các thị trường tiềm năng, tạo sức cạnh tranh với các SP cùng loại.

Trong năm 2024 (đến ngày 10-12-2024), Hội đồng đánh giá các cấp đã chứng nhận 68 SP đạt từ 3 sao trở lên, đạt tỷ lệ 151% so với kế hoạch (trong đó, 57 SP 3 sao, 10 SP 4 sao, 1 SP 5 sao). Lũy kế đến nay, tỉnh có 316 SP OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó, 252 SP 3 sao, 59 SP 4 sao, 5 SP 5 sao) của 159 chủ thể (39 công ty, doanh nghiệp; 31 hợp tác xã; 3 tổ hợp tác; 86 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh). Các SP được trưng bày, giới thiệu trong các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trên các ứng dụng công nghệ thông tin.

Hiện nay, nhiều SP đặc trưng, có chất lượng tốt từ Chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn được gia tăng, đóng góp quan trọng vào việc nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản tỉnh. Song song đó, tỉnh tập trung thực hiện phong trào Đồng khởi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ người dân hình thành tư duy, ý tưởng và phát triển các SP theo hướng chất lượng, đạt tiêu chuẩn sao của Bộ tiêu chí để hướng đến việc phát triển bền vững trong tương lai, góp phần tạo việc làm mới, ổn định thu nhập và ngày càng nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.

Giải pháp trong thời gian tới

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Chương trình OCOP là hoạt động phát triển nông thôn theo hướng phát triển nội sinh. Do đó, việc triển khai và lan tỏa chương trình trong bước đầu triển khai thực hiện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là xây dựng, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, bao bì nhãn mác và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái đối với các SP OCOP đã được công nhận. Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP được hiệu quả, tỉnh cần tập trung một số giải pháp chủ yếu. Theo đó, rà soát các chính sách hiện có, tiến hành hỗ trợ cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tỉnh đối với các lĩnh vực cần hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh phân phối, tiếp thị... Đặc biệt, dành cho các SP chủ lực của địa phương.

Xác định OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng. Phát triển SP OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển SP OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh chuẩn hóa SP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương. Phát triển SP OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các SP nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.

Tăng cường nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo SP. Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại các SP OCOP. Tăng cường phát triển các SP và nghiên cứu, nâng cấp SP đáp ứng yêu cầu thị trường. Tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP được trưng bày, giới thiệu các SP tại các hội chợ trong và ngoài nước, nhằm tìm kiếm đầu ra và thị trường tiêu thụ cho các SP OCOP của tỉnh kết hợp với triển khai xây dựng điểm giới thiệu và bán SP OCOP trong và ngoài tỉnh.

Lồng ghép và triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực. Gắn kết Chương trình OCOP với các chương trình khác như: Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Đề án phát triển 15 ngàn hợp tác xã, Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp... để hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý tổ chức sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp SP dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu SP OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng SP.

“Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện thường xuyên, liên tục để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong đó, xác định vai trò của đội ngũ cán bộ, chuyên gia hướng dẫn là trọng tâm; vai trò của các tổ chức kinh tế, chủ thể sản xuất là nòng cốt. Khi kết hợp hài hòa, thống nhất và thông suốt giữa các bên với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, Chương trình OCOP sẽ phát triển theo đúng định hướng, mang lại giá trị thiết thực và nâng cao hơn nữa đời sống của người dân, hướng đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương”.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN