Triển khai Quỹ phát triển nhóm hợp tác

01/05/2012 - 15:47
Dự án DBRP, Ngân hàng NN&PTNT, Hội LHPN tỉnh và Hội Nông dân tỉnh ký kết và xác lập mối quan hệ trong thực hiện chương trình tín dụng nông thôn.

Quỹ phát triển nhóm hợp tác được hình thành với mục tiêu tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo ở các vùng nông thôn, nhất là những hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững, thông qua việc cung cấp những món vay nhỏ để phát triển sản xuất, dịch vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hội LHPN tỉnh (đơn vị chủ quản), Dự án DBRP (đầu tư nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật) và Hội Nông dân (phối hợp thực hiện) là 3 đơn vị tham gia vào Hội đồng Quản lý quỹ phát triển nhóm hợp tác. Ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Dự án DBRP cho biết, ngày 23-4-2012, quy chế hoạt động đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các đơn vị liên quan trong cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ sẽ có trách nhiệm thực hiện tốt quy chế này nhằm đạt được mục tiêu và xây dựng quỹ phát triển bền vững và chuyên nghiệp.

Theo quy chế, đối tượng tiếp cận không phân biệt nam hay nữ, gồm: hộ nghèo, nhưng không bao gồm hộ nghèo chây lười lao động và chính sách xã hội; hộ do phụ nữ làm chủ; hộ có hoàn cảnh khó khăn và thiệt thòi trong xã hội và hộ cận nghèo. Điều kiện tiên quyết để được vay vốn từ nguồn quỹ này là phải tham gia nhóm hợp tác. Song, việc thành lập nhóm phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, các thành viên phải hiểu rõ, tin cậy lẫn nhau và sẵn sàng bảo lãnh cho khoản vay của nhau.

Quỹ phát triển nhóm hợp tác hoạt động theo mô hình tài chính vi mô (lãi suất 1%/tháng), với hình thức cho vay theo nhóm tiết kiệm tín dụng và cho vay theo mô hình nhóm liên kết giữa doanh nghiệp vi mô và hộ sản xuất. “Vay theo nhóm tiết kiệm tín dụng là chính sách cho vay chủ yếu của quỹ. Đây là hình thức phù hợp với đối tượng mục tiêu của quỹ, giúp sàng lọc khách hàng vay và giúp giảm rủi ro do cho vay tín chấp. Còn hình thức cho vay mô hình nhóm liên kết giữa doanh nghiệp vi mô và hộ sản xuất là chính sách cho vay bổ sung nhằm đảm bảo rằng các hộ sản xuất sử dụng tiền vay đúng mục đích. Chính sách cho vay này được khuyến khích, nhưng không bắt buộc đối với các nhóm đối tượng” - bà Võ Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phát triển nhóm hợp tác cho biết.

Đồng thời với việc vay vốn, tiết kiệm bắt buộc là khoản tiền mà thành viên phải đóng hàng kỳ khi tham gia vay vốn. Đây là hình thức nhằm giúp thay đổi hành vi tiết kiệm, tích lũy tài sản cho người nghèo và tăng nguồn vốn cho vay của quỹ. Khoản tiết kiệm bắt buộc tối thiểu là 20.000 đồng/tháng, lãi suất 0,6%/tháng. Ngoài ra, tiết kiệm tự nguyện, tiết kiệm còn có mục đích giúp thành viên tiết kiệm được từng những khoản tiền nhỏ khi chưa có kế hoạch sử dụng, theo phương châm “tích tiểu thành đại” hay “một ngàn đồng hôm nay cho một triệu đồng ngày mai” (mức gửi tối thiểu là 1.000 đồng/lần, lãi suất 0,8%/tháng).

Điểm đặc biệt của Quỹ phát triển nhóm hợp tác là hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và kết nối thị trường cho người dân. Theo Hội đồng quản lý của quỹ, cách làm này nhằm trang bị và nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức về sản xuất kinh doanh và đồng thời hỗ trợ kết nối thị trường cho nhóm đối tượng. Việc hỗ trợ được thực hiện theo các hình thức như đào tạo nghề, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt, kỹ năng kinh doanh, kết nối thị trường giữa những người sản xuất với nhau, người sản xuất và người cung cấp nguyên liệu, vật liệu, người sản xuất và người thu mua sản phẩm. Qua đó nhằm tạo sự tự tin cho người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tạo sự ổn định cho người dân thông qua kết nối thị trường đầu vào và đầu ra; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ và giúp quỹ đạt mục tiêu đề ra: tạo việc làm và tăng thu nhập, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Quỹ phát triển nhóm hợp tác được xây dựng theo kế hoạch chiến lược 10 - 20 năm. Trên cơ sở kế hoạch chiến lược, kế hoạch kinh doanh sẽ được lập theo lộ trình phát triển của quỹ trong từng giai đoạn cụ thể trong vòng 3 - 5 năm, từng năm và từng tháng. Ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết thêm, năm 2012, DBRP hỗ trợ cho quỹ 400.000 USD (tương đương 8 tỷ đồng). Nếu vốn được sử dụng hiệu quả và phát huy tác dụng, DBRP Bến Tre sẽ đề nghị IFAD tăng thêm vốn trong các năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN