Triển khai giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

05/07/2019 - 07:44

BDK - Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa; xây dựng kế hoạch hành động nâng cao chuỗi giá trị dừa; Chương trình phát triển xuất khẩu; Chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch thực hiện các nhóm giải pháp về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

Giới thiệu sản phẩm dừa tại “Ngày hội Tam nông” tỉnh 2019. Ảnh: H.Hiệp

Xây dựng chuỗi giá trị

Đối với sản phẩm chủ lực dừa, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa, trong đó tập trung quy hoạch nguồn nguyên liệu dừa phục vụ ngành công nghiệp chế biến. Đến cuối năm 2018, diện tích dừa của tỉnh đạt 72.022ha, năng suất 9.500 trái/ha, sản lượng 612,5 triệu trái. Đã hình thành 11 tổ liên kết, 37 tổ hợp tác (THT), 9 hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất theo chuỗi quy mô 1.882ha; vận động được 4 doanh nghiệp (DN) tham gia liên kết tiêu thụ, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các THT, HTX với mức giá sàn đảm bảo thu mua ổn định.

Tính từ năm 2017 đến nay, sản lượng dừa tiêu thụ qua hợp đồng trên 13,5 triệu trái và 450 tấn cơm dừa tươi. Riêng dừa uống nước đã vận động 3 DN liên kết tiêu thụ và các DN đã ký hợp đồng với nông dân thu mua được trên 650.000 trái dừa tươi. Hỗ trợ DN ngành dừa đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Từ 2017 đến nay, vốn khuyến công đã hỗ trợ DN ngành dừa thực hiện 14 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ 2,18 tỷ đồng, thu hút gần 20 tỷ đồng vốn đầu tư từ DN. Đồng thời, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới đã xây dựng được 2 cơ sở sở chế dừa tại xã An Định (Mỏ Cày Nam) và xã Phong Nẫm (Giồng Trôm).

 Đối với sản phẩm thịt heo, sở đã phối hợp với các ngành, địa phương và Công ty cổ phần Vissan khảo sát đánh giá, đề xuất phương án hợp tác. Đã có 71 trại chăn nuôi heo đăng ký tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, trong đó có 45 trại tham gia kích hoạt. Hiện tại, đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty TNHH Thanh Thêm với Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền và Công ty Vissan. Sở đang xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bò Ba Tri, các sản phẩm bưởi da xanh, xoài, chôm chôm, nhãn, sầu riêng.

Liên kết mở rộng thị trường

Thời gian qua, Sở Công Thương đã tích cực hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh thông qua việc tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các buổi kết nối, khảo sát thị trường. Một số sản phẩm như: bưởi, dừa, hoa kiểng, heo, bò đã tìm được thị trường tiêu thụ ở các siêu thị lớn như: Big C, Lotte, Coop.Mart... tại các tỉnh, thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội.

Theo số liệu thống kê từ năm 2013 - 2018, giá trị hàng nông sản trong tỉnh xuất khẩu có tỷ lệ tăng bình quân 12,7%/năm, hàng hóa xuất sang nhiều thị trường, trong đó thị trường Trung Quốc có tỷ lệ nhập khẩu nông sản lớn nhất 79%, EU 10%, Hoa Kỳ 5%. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, nếu như năm 2013, hàng nông thủy sản tỉnh đã xuất đi 43 quốc gia trên thế giới thì nay đã lên 68 quốc gia. Trước đây, mặt hàng nông sản của tỉnh chủ yếu chỉ xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch thì hiện nay được xuất khẩu chính ngạch sang một số nước, vùng lãnh thổ như: Mỹ, Đài Loan, Tây Ban Nha.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Khê, thời gian tới, ngành công thương tích cực phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp các chợ đạt chuẩn, phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ logistics... Hỗ trợ các DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường, sản phẩm tham gia chuỗi được mở rộng, ổn định đầu ra. Triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tiếp tục thực hiện công tác liên kết, xúc tiến tiêu thụ heo, bò giữa DN Bến Tre với các hệ thống phân phối, DN các địa phương khác.     

C. Thương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN