Triển khai Đề án xây dựng giao thông nông thôn và phát động phong trào xây dựng giao thông nông thôn đến năm 2020

02/08/2018 - 07:34

BDK.VN - Chiều 1-8-2018, UBND tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án xây dựng giao thông nông thôn và phát động phong trào xây dựng giao thông nông thôn đến năm 2020.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại điểm cầu Bến Tre. Ảnh: Hữu Hiệp

Tại điểm cầu Bến Tre có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh cùng gần 200 đại biểu gồm cán bộ tỉnh phụ trách xã, phường, thị trấn.

Tại điểm cầu các huyện, thành phố, gồm: lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, Thành ủy, UBND TP. Bến Tre, các ngành, đoàn thể huyện, thành phố, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, các ngành đoàn thể xã.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho rằng, thời gian qua, phong trào xây dựng giao thông nông thôn trong tỉnh phát triển khá tốt, đã xây đựng được trên 2.500km đường, 2.150 cây cầu, góp phần rất lớn làm thay đổi diện mạo mới của nông thôn trong tỉnh. Trong đó, có sự đóng góp to lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân. Đặc biệt, người dân trực tiếp tham gia tổ chức vận động, quản l‎ý công trình, không để xảy ra thất thoát. Chất lượng công trình từng bước được nâng lên đáng kể. Kết quả đó, kinh nghiệm đó cần tiếp tục phát huy.

Tuy nhiên, hệ thống cầu đường đã qua gần 20 năm nên nhiều công trình đã xuống cấp, lại hẹp, phải xây dựng lại theo đúng chuẩn mới được quy định. Do vậy, Tỉnh ủy phát động phong trào này để tiếp tục huy động toàn lực trong hệ thống chính trị và các mạnh thường quân, tất cả người dân cùng tham gia. Đây là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt đến năm 2020 nhưng cũng vô cùng khó khăn, cần có sự chung sức chung lòng, bền bỉ, bằng cơ chế chính sách phù hợp, hữu hiệu mới thành công. Sau hội nghị này, các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương tổ chức triển khai, quán triệt đến toàn thể đơn vị mình, phát động phong trào thi đua, thiết thực với mục tiêu nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả từng công trình. Phải biến phong trào thi đua xây dựng giao thông nông thôn thành cao trào “Đồng khởi mới”. Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người dân phải vào cuộc quyết liệt.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H. Hiệp

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Hoàng trình bày tóm tắt nội dung Đề án xây dựng giao thông nông thôn giai đoạn 2018 - 2020; Phó  trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Tú Anh triển khai Kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng giao thông nông thôn. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Chợ Lách, Ba Tri, TP. Bến Tre tham luận về xây dựng giao thông nông thôn theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; phát biểu hưởng ứng phong trào của Ban Dân vận Huyện ủy Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Bình Đại; phát biểu chia sẻ kinh nghiệm của khối vận xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú; đại diện Ấp 7, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm trong công tác huy động sức dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn; phát biểu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức thi công của lãnh đạo xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng hy vọng rằng, Đề án này được triển khai sẽ có nhiều thuận lợi. Bởi Đề án có tác động lớn đến đời sống người dân nông thôn, mở ra hướng đột phá mới trong phát triển giao thông của tỉnh. Do vậy, cần tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện quyết liệt hơn. Tập trung dồn sức đầu tư xây dựng giao thông nông thôn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tất các các xã trong tỉnh đều phải tham gia Đề án này chứ không riêng gì các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Thực tế thời gian qua, diện mạo nông thôn Bến Tre ngày càng khởi sắc hơn, đã thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng phát triển rất lớn. Các phong trào xây dựng giao thông nông thôn đã tác động lớn đến kinh tế, đời sống của người dân nông thôn. Chúng ta phải làm sao để sắp tới, đường nông thôn xe 4 bánh được đi đến từng nhà, từng ngõ. Đến năm 2020 phải hoàn thành các chương trình, mục tiêu Đề án đặt ra, là yêu cầu bức thiết, có tính quyết định, mang lại nét mới trong giao thông không chỉ Bến Tre mà cả khu vực, vùng cũng có thể kết nối.

Để thực hiện thành công Đề án này, nhiệm vụ đặt ra là hết sức khó khăn, năng nề, nhất là việc huy động và bố trí nguồn vốn. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần nhất quán việc xây dựng giao thông nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhất là sự đồng thuận của người dân để tạo ra làn sóng mới, không chỉ có ở nông thôn mà ngay cả thị trấn, thị tứ, đô thị. Phải làm sao dấy lên được phong trào kết nối xây dựng giao thông nông thôn với thành thị. Quan tâm huy động mọi nguồn lực nhưng phải công khai, minh bạch, rõ ràng. Khẩn trương tổ chức triển khai, quán triệt tinh thần của Đề án, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ xã, ấp, và người dân thông, hiểu chủ trương này. Chú ý, để làm được điều này trước khi triển khai công trình phải tổ chức lất ý kiến người dân, tạo nên cơ chế đồng thuận của người dân. Phải chú ‎ý đảm bảo chất lượng các công trình, tuyệt đối không để xảy ra xuống cấp khi đưa vào sử dụng. Đồng thời, phải tổ chức quản lý‎, quy hoạch đúng quy định khi xây dựng công trình. Sau hội nghị này, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng nội dung tổ chức lễ phát động đồng loạt ở một số xã trọng điểm để phát động sâu rộng trong người dân tham gia thực hiện phong trào xây dựng giao thông nông thôn theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

                                                                                         Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN