Lao động tự do là những đối tượng rất khó khăn, cần được quan tâm hỗ trợ sớm.
Các nhóm được hỗ trợ
Trước khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, cơ quan chức năng đã triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến UBND cấp huyện và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thông qua văn bản và các phương tiện truyền thông.
Trong thượng tuần tháng 7-2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có báo cáo nhu cầu kinh phí hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Theo đó, đối tượng thuộc nhóm 3 - chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ số lượng 57.889, trong đó dự kiến có 10% được doanh nghiệp tổ chức đào tạo (5.789 lao động - LĐ), mỗi LĐ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng trong 6 tháng, nhu cầu kinh phí khoảng 52 tỷ đồng.
Nhóm 4 - chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương là 61.890 LĐ, mỗi LĐ nhận 3,7 triệu đồng, nhu cầu kinh phí hơn 229 tỷ đồng.
Nhóm 5 - chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc là 101 LĐ, mỗi LĐ được hỗ trợ 1 triệu đồng, nhu cầu kinh phí 101 triệu đồng.
Nhóm 6 - chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt HĐLĐ là 2.600 LĐ, mỗi LĐ được hỗ trợ 3,7 triệu đồng, nhu cầu kinh phí 9,6 tỷ đồng.
Đối với nhóm 7 - chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em. Cụ thể là trẻ em phải điều trị (F0) là 1 trường hợp (1 triệu đồng/trường hợp).
Nhóm 8 - hỗ trợ tiền ăn điều trị Covid-19, cụ thể, hỗ trợ (F0) là 80 ngàn đồng/ngày, trong 45 ngày, hỗ trợ (F1) là 80 ngàn đồng/ngày trong 21 ngày.
Nhóm 9 - hỗ trợ 1 lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, hướng dẫn viên du lịch… là 265 người, 3,7 triệu đồng/người, nhu cầu kinh phí 983 triệu đồng.
Nhóm 10 - chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh (lấy theo số liệu năm 2020) là 1.040 hộ, mỗi hộ 3 triệu đồng, nhu cầu kinh phí 3,1 tỷ đồng.
Nhóm 12 - LĐ không có giao kết HĐLĐ (LĐ tự do) và một số đối tượng đặc thù khác (lấy theo số liệu năm 2020) là 15.750 người, mỗi LĐ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, kinh phí khoảng 23,6 tỷ đồng.
Tổng cộng 87.438 đối tượng, dự kiến kinh phí 319 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 60%, ngân sách địa phương 40%.
Riêng nhóm 1 - chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, nhóm 2 - chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và từ trần, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã có thông báo giảm đóng 0,5% (giảm mức đóng 12 tháng từ ngày 1-7-2021 đến 30-6-2022) đối với 1.389 doanh nghiệp, với 62.800 LĐ, tổng số tiền tạm tính là hơn 20 tỷ đồng.
Khẩn trương thực hiện
Trong đợt dịch năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 15/QĐ-TTg và Quyết định số 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho vay NSDLĐ để trả lương cho NLĐ ngừng việc.
Qua thực hiện chính sách trên, địa bàn tỉnh có 1 doanh nghiệp vay 571,02 triệu đồng để trả lương cho 124 LĐ ngừng việc. Hiện nay, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg thì Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất (nhóm 11).
Ông Nguyễn Mạnh Hoài - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: “Cho vay trả lương ngừng việc là chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 42/NQ-CP. Vay vốn phục hồi sản xuất là chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Trình tự, thủ tục thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc được kế thừa theo quy định tại Quyết định số 15 /QĐ-TTg và Quyết định số 32/QĐ-TTg, đồng thời điều chỉnh việc thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện. Cụ thể, bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp; giảm điều kiện ngừng việc 1 tháng xuống còn 15 ngày liên tục”.
“Vay vốn phục hồi sản xuất là chính sách mới, giúp NSDLĐ có thêm nguồn vốn để trả lương cho NLĐ, dành thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, NSDLĐ tự kê khai và tự chịu trách nhiệm với kê khai của mình”, ông Nguyễn Mạnh Hoài chia sẻ thêm.
Hiện các chính sách đã được thông tin đến người dân, tuy nhiên do giãn cách xã hội, NLĐ chưa thể đến các cơ quan chức năng để làm thủ tục nhận hỗ trợ. Các bệnh nhân (F0) được hỗ trợ tiền ăn điều trị Covid-19 cũng phải có giấy ra viện mới làm thủ tục nhận hỗ trợ. Một số huyện như Ba Tri đã lập danh sách NLĐ thuộc diện được hỗ trợ nhưng do giãn cách chưa thể gửi hồ sơ, danh sách đến Bảo hiểm Xã hội tỉnh xác nhận.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đối với lao động tự do là những đối tượng rất khó khăn, cần được quan tâm hỗ trợ sớm cho đối tượng này. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo