Triển khai các giải pháp đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững

23/09/2021 - 22:35

BDK - Ngày 22-9-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Nghị quyết (NQ) số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và NQ số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, Kết luận số 28-KL/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010 và 2011 - 2020. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bến Tre đã cơ bản được kiểm soát, tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ khảo sát công trình cống ngăn mặn Ba Lai. Ảnh: C. Trúc

Sau 17 năm triển khai thực hiện NQ số 21-NQ/TW, 13 năm thực hiện NQ số 26-NQ/TW và 8 năm thực hiện Kết luận số 28-KL/TW tại địa phương, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được nâng lên, mô hình tăng trưởng chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu; cơ sở vật chất, kỹ thuật được tăng cường; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; mức sống của người dân Bến Tre ngày càng được nâng lên; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh; tăng cường hội nhập quốc tế và liên kết phát triển giữa tỉnh Bến Tre với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Qua phân tích, đánh giá có thể thấy, công tác triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện các NQ, kết luận của Trung ương trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc; kịp thời, chủ động trong việc thể chế hóa các NQ, chủ trương của Trung ương, từ đó nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, tạo sự đồng bộ trong điều hành, quản lý các hoạt động, góp phần đưa NQ đi vào cuộc sống và mang lại những kết quả.

Kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều bước chuyển tích cực; quy mô kinh tế năm 2020 đạt 55.258 tỷ đồng, tăng 48.809 triệu đồng so với năm 2002; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân/năm của tỉnh giai đoạn 2003 - 2020 đạt 6,93%; tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 4.974 tỷ đồng, gấp 17,3 lần năm 2002, bằng 91,9% so với bình quân chung vùng ĐBSCL; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 đạt 19.149 tỷ đồng, bằng 1,44 lần so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu ngành nông nghiệp thay đổi đúng hướng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả khả quan, toàn tỉnh có 58 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre). Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thông thoáng, hiệu quả cải cách hành chính được nâng cao… Các chỉ số cạnh tranh của địa phương cũng được cải thiện: Chỉ số PCI năm 2006 đạt 25/63, đến năm 2020 đạt 8/63; Chỉ số PAPI năm 2015 đạt 13/63, đến năm 2020 đạt 8/63; Chỉ số SIPAS năm 2016 đạt 47/63, đến năm 2020 đạt 20/63. Kinh tế phát triển ổn định, cùng với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp đã thu hút đầu tư được nhiều dự án… góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động, đời sống nhân dân từng bước nâng lên, cảnh quan đô thị và diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, hiện đại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Kinh tế phát triển chưa toàn diện, quy mô kinh tế còn thấp, đến năm 2020 chỉ đứng thứ 11/13 tỉnh ĐBSCL; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm, chưa đạt chỉ tiêu đề ra; GRDP/người còn thấp so với khu vực ĐBSCL. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đạt yêu cầu; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, khả năng phòng tránh, giảm nhẹ tác hại của thiên tai, xâm nhập mặn còn hạn chế; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực chưa toàn diện. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở còn hạn chế; tính bền vững trong công tác giảm nghèo chưa cao; đời sống một bộ phận dân cư, nhất là người nghèo ở nông thôn còn khó khăn, khả năng tái nghèo cao. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Cẩm Trúc

Trên cơ sở thống nhất những nhận định, ý kiến thảo luận tại hội nghị, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030 tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng ổn định theo định hướng phát triển về hướng Đông, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tập trung thời gian, nguồn lực để hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông theo NQ số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy; tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ công trình và tiến độ giải ngân 11 công trình, dự án trọng điểm của NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến tầm nhìn, chiến lược phát triển của tỉnh; phải xác định được tiềm năng, thế mạnh và xu hướng chung để phân bổ, huy động nguồn lực thực hiện đạt các mục tiêu; chú trọng phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực bảo đảm ngang tầm nhiệm vụ.

Thứ hai, tập trung triển khai thực hiện NQ số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Khẩn trương xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia; triển khai có kết quả chương trình phát triển thủy sản, trong đó tập trung phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã. Tập trung triển khai Chương trình số 09-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng NTM giai đoạn 2020 - 2025, đảm bảo đạt mục tiêu từng giai đoạn đề ra.

Thứ ba, tập trung triển khai Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, công nghiệp xanh và giá trị gia tăng cao. Tập trung triển khai Đề án số 02-ĐA/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển Bến Tre trở thành điểm đến sinh thái và trải nghiệm văn hóa hấp dẫn, là điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng đối với du khách.

Thứ tư, tập trung huy động nguồn lực xã hội phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030, trong đó ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu, tạo nền tảng để phát triển tỉnh về hướng Đông; phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy tạo kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và tiểu vùng duyên hải phía Đông; các tuyến đường thủy kết nối vùng và TP. Hồ Chí Minh. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị đa chức năng ven biển/lấn biển và các điểm dân cư nông thôn tập trung. Đồng thời, triển khai xây dựng Khu Công nghệ - Chuyển đổi số tham gia vào Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung; phát triển hạ tầng băng thông rộng, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông mới và điện toán đám mây, kết nối Internet vạn vật (IoT), tạo động lực đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, nghiên cứu, tạo cơ chế phát huy đa dạng các hình thức đầu tư (đối tác công tư - PPP), nhượng quyền thương mại, liên doanh góp vốn...); thực hiện nguyên tắc: vốn đầu tư công chỉ đầu tư các công trình thiết yếu, dẫn dắt cho đầu tư tư và các dự án PPP. Thanh lý đấu giá nhà đất công không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để bổ sung vào ngân sách; triển khai cơ chế chính sách tạo quỹ đất sạch từ các dự án đầu tư hạ tầng giao thông để phục vụ thu hút đầu tư và tăng nguồn thu cho ngân sách. Có giải pháp phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu; đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển.

Thứ sáu, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục đào tạo trong điều kiện, tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực tiếp cận công nghệ 4.0, tạo đột phá trong đổi mới sáng tạo và phục vụ phát triển các lĩnh vực, ngành nghề mới theo định hướng phát triển về hướng Đông. Nghiên cứu xây dựng và triển khai chính sách đãi ngộ nhân tài; thu hút các nhà khoa học tham gia giảng dạy, chuyển giao công nghệ. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phát triển khoa học công nghệ có quy mô lớn; phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và phát huy tốt không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Thực hiện tốt công tác giáo dục sức khỏe, dân số và vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Tập trung triển khai NQ số 05-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Quan tâm phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phát huy hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở.

Thứ bảy, tập trung triển khai các phương án bảo vệ môi trường; quy hoạch và phát triển các khu xử lý chất thải; phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và gắn với xây dựng Bến Tre xanh; kiểm soát chặt các nguồn gây ô nghiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, làng nghề, lưu vực sông, khu vực nông thôn; bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước ngầm, nguồn cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ tác hại của biến đổi khí hậu; triển khai các giải pháp công trình, phi công trình, xây dựng một số hồ chứa nước ngọt, sắp xếp lại các điểm dân cư vùng nguy cơ sạt lở. Vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc chất lượng nước và dự báo độ mặn tự động. Nâng cao ý thức người dân về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Thứ tám, tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định thương mại để thúc đẩy giao thương và xuất khẩu; tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác, thu hút các nguồn vốn nước ngoài. Tích cực hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh với vùng ĐBSCL, tiểu vùng duyên hải phía Đông, TP. Hồ Chí Minh để huy động nguồn lực phục vụ cho phát triển của địa phương.

Thứ chín, thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Chú trọng kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh; phát triển toàn diện kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng biển, tài nguyên biển; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ngư dân ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo; quản lý, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân đánh bắt thủy, hải sản vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài. Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả NQ Trung ương 4 khóa XII và các kết luận, chỉ thị, NQ của Bộ Chính trị, Trung ương, của tỉnh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy hướng về cơ sở, phát huy phương châm “Tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp, khu phố, xã nắm tới hộ gia đình”. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, bí thư cấp ủy về mọi mặt công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Lê Đức Thọ

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN