Triển khai các biện pháp cấp bách chống dịch tả heo châu Phi

17/07/2019 - 14:43

BDK.VN - Từ ngày 2-7-2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi ở 12 hộ dân, tại 4 xã thuộc 2 huyện. Tổng số heo bị tiêu hủy hơn 500 con.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chỉ đạo công tác dập dịch tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Thạch Thảo

UBND tỉnh có Công văn số 3426/UBND-KT ngày 16-7-2019 gửi thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện khẩn cấp một số nhiệm vụ phòng chống bệnh dịch tả  heo châu Phi.

Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình dịch tả heo châu Phi tại các vùng có dịch để có giải pháp quản lý, chống dịch hiệu quả. Tăng cường năng lực giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ và sẵn các trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu cần thiết cho chống dịch.

Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất toàn bộ khu vực chăn nuôi, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi.

Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng chống dịch tại các ngành, địa phương; đồng thời trực tiếp theo dõi, hỗ trợ, chỉ đạo huyện Mỏ Cày Nam.

Sở Công Thương tăng cường chỉ đạo Ban Quản lý chợ, kiểm tra việc buôn bán sản phẩm của heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không cho buôn bán sản phẩm của heo bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra các biện pháp, giải pháp phòng, chống và xử lý bệnh tại huyện Thạnh Phú.

Công an tỉnh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra các biện pháp, giải pháp phòng chống và xử lý bệnh tại huyện Mỏ Cày Bắc. Sở Tài chính phụ trách hỗ trợ và xử lý dịch bệnh tại TP. Bến Tre. Sở Giao thông vận tải hỗ trợ huyện Châu Thành. Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ huyện Chợ Lách. Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ huyện Giồng Trôm.

UBND các huyện, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm ca bệnh khi mới phát sinh. Khi có dịch xảy ra báo cáo ngành Thú y tổ chức lấy mẫu xác định bệnh.

Rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết heo sống trên địa bàn, các cơ sở giết mổ heo tập trung, đặc biệt các địa bàn có buôn bán heo sống không rõ nguồn gốc để giám sát. Yêu cầu Ban Quản lý các chợ, chủ cơ sở các điểm buôn bán, giết mổ heo và các sản phẩm của heo thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bằng vôi bột hoặc hóa chất sau mỗi buổi họp chợ, ca giết mổ heo. Thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh thuộc địa phương phụ trách.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm bệnh dịch tả heo châu Phi, nguy cơ bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán heo sống, sản phẩm thịt heo bất hợp pháp để người dân không tham gia.

Đối với các địa phương có bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra thì tập trung hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được xuất bán, giết mổ heo sau khi được xét nghiệm âm tính với mầm bệnh theo Hướng dẫn số 3708/HĐ-BNN-TY ngày 28-5-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Huyền Trang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN