Ông Phạm Văn Chấp (Lê Minh). Ảnh: H. Đức
Một ngày cuối tháng 3-2020, ông Phạm Văn Chấp (Lê Minh) kể về những ký ức hào hùng năm xưa: “Lúc mới thành lập, Đại đội đặc công có khá đông người, thường gọi là C3, do đồng chí Hai Lê Phong và đồng chí Ba Lộc chỉ huy. Sau đó, do có nhiều anh em hy sinh, chỉ còn lại khoảng 40 người nên còn gọi là Phân đội 3 đặc công. Năm 1972, tôi là Phân đội trưởng. Dù ít người, nhưng với tinh thần dũng cảm, gan dạ, C3 đã có nhiều trận đánh vang dội. Thời điểm này, địch quân hễ nghe nhắc đến tên C3 đều phải nể sợ. Một trong những trận đánh đồn địch ghi dấu ấn của C3 là trận diệt đồn, phá cầu Vĩ nằm trên lộ số 5 hay đường tỉnh 887 (nay là quốc lộ 57C)”.
Ông Phạm Văn Chấp nhớ lại: “Khoảng tháng 3-1972, Tỉnh đội muốn mở chiến dịch để giải phóng Ba Tri nên giao cho C3 bằng mọi giá phải cắt lộ số 5, chặn đường tiếp tế của địch. Cùng lúc này, nhiệm vụ đánh cầu Chẹt Sậy được giao cho đơn vị Đặc công tỉnh. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải phá hủy cầu Vĩ trên lộ số 5, muốn vậy, phải tiêu diệt hai đồn địch đóng ở hai bên cầu”.
Nhận được lệnh, C3 tổ chức hai tổ trinh sát xâm nhập vào đồn địch để điều tra, nghiên cứu địa hình. Tổ 1 do ông Năm Minh (bấy giờ là Thượng sĩ) chỉ huy cùng 2 chiến sĩ gồm ông Thanh Hải (nguyên Đại tá - Trưởng phòng Tác chiến Quân khu 9) và ông Chiến “con” (hiện ở xã Hữu Định) vào đồn địch đóng ở phía dưới cầu (thuộc xã Phú Nhuận hiện nay). Tổ 2 do ông Tư Ưu (đã mất) chỉ huy cùng ông Sơn Hùng (hiện ở Bình Đại) và 2 chiến sĩ nữa vào đồn địch đóng ở phía trên cầu (xã Mỹ Thạnh An).
Đêm đầu đột nhập mục tiêu, Tổ 1 vượt qua được 5 vòng rào địch, tới 1 mương tường thì gặp một bầy ngỗng và đàn chó dữ 3 con. Bằng kỹ thuật nghiệp vụ, Tổ 1 dẫn dụ được được ngỗng và chó đi nơi khác, nắm tình hình địch rồi rút lui an toàn. Cùng thời gian này, Tổ 2 cũng men theo đường rạch đột nhập vào đồn địch (đồn phía trên cầu) nắm được tình hình địch.
Đêm thứ hai, cả hai tổ lại cùng đột nhập mục tiêu, chọn vị trí thuận lợi để bố trí hỏa lực tiêu diệt địch. Sau đó, C3 tiến hành lập phương án công đồn, báo cáo lên Thị đội và được ông Lê Giang (Thị đội trưởng) nhất trí.
Chiều hôm sau, khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, C3 xuất phát lên đường, theo kế hoạch đúng giờ G sẽ nổ súng, giao cho tổ ông Tư Ưu khai hỏa trước. Nhằm đề phòng xảy ra bất trắc, ông Minh dự phòng thêm một tiểu đội dự bị, có trang bị 2 khẩu B40, thủ pháo, AK trong tư thế sẵn sàng chiến đấu; tổ này do ông Năm Long - Chính trị viên Phân đội chỉ huy, đóng quân ở gần mục tiêu.
Đêm hôm ấy, lực lượng chiến đấu của Tổ 1 áp sát vào đồn địch, vào vị trí chiến đấu (đã định sẵn) rất thuận lợi. Riêng Tổ 2 gặp sự cố bất ngờ do địch kiểm soát gắt gao, liên tục bắn đạn từ chòi canh về phía mé rạch, tổ của ông Tư Ưu không thể tiến sát vào được.
Đúng 23 giờ, đặc công Tổ 1 nổ súng chớp nhoáng tiêu diệt địch, chiếm lấy đồn này. Nghe tiếng súng, quân địch ở đồn bên kia rạch cầu Vĩ (phía xã Mỹ Thạnh An) liền tiếp viện để cứu nguy. Ông Minh liền lệnh cho tiểu đội dự bị bắn B40 vào đồn địch; đồng thời phát lệnh cho đặc công Tổ 1 vượt qua cầu Vĩ vào chiếm đồn. Cùng lúc, C3 phát loa kêu gọi địch đầu hàng.
Hoảng sợ, địch quân bỏ chạy tán loạn. Trận này, bộ đội ta thắng lợi hoàn toàn mà không bị thương vong, tiêu diệt được nhiều địch, bắt sống được 4 lính đồn, thu được nhiều súng đạn cùng máy liên lạc PRC10. Ngay trong đêm, lực lượng dân công, du kích xã Phú Nhuận ào ra đốt, phá sập cầu Vĩ, cắt đường tiếp tế của địch quân.
(Còn tiếp)
Huỳnh Đức