“Cu kêu ba tiếng cu kêu Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè”
Sự tích cây nêu ngày Tết kể rằng: Ngày xưa vùng đất của quỷ và con người sinh sống, con người luôn bị lũ quỷ chèn ép khổ sở, Phật mới chỉ cho con người dùng tấm áo cà sa để treo lên cây tre, bóng tấm áo vươn đến đâu thì vùng đất của con người sẽ đến đó, từ đó cuộc sống con người trở nên an vui hơn. Từ đó về sau mỗi năm cứ khi Tết đến, các gia đình sẽ dựng cây nêu để xua đi những điều xấu xa, cầu mong năm mới an lành.
Chủ nhà dùng rượu để rửa cây búa và dụng cụ dùng để đốn tre, cầu mong mọi điều suông sẻ, thuận lợi.
Thời gian dựng nêu thường từ 20 tháng Chạp trở đi, cho đến hết mùng 7 tháng Giêng thì sẽ hạ nêu. Một số quan niệm khác cho rằng bắt đầu dựng nêu từ 23 tháng Chạp, khi Ông Táo về trời, sẽ không ai cai quản trần gian, các gia đình sẽ dựng nêu từ thời điểm này để bảo vệ gia đình.
Cây tre được chọn làm nêu phải là cây tre tốt, dài, thẳng, không quá non cũng không quá già mà chủ nhà đã nhắm sẵn từ trước. Nhóm người đốn tre dọn gọn các cây bụi trong vườn, rồi dùng rượu để rửa các dụng cụ trước khi đốn, đọc lời khấn xin phép đốn tre làm nêu, cầu mong cho nghi thức được diễn ra suông sẻ.
Chủ nhà bày dọn bàn hương án và các vật phẩm cúng.
Bàn hương án đặt giữa sân nhà với đèn cầy, bông, trái cây và chè. Truyền thống của nhà họ Trần bao đời nay là dâng cúng chè thưng. Món chè làm từ đậu phộng, đậu xanh, bột báng, nước cốt dừa, là những nguyên liệu từ mảnh đất quê hương, do chính bàn tay con người lao động làm nên.
Gia chủ làm lễ tạ, khấn dựng cây nêu.
Anh Trần Hữu Phú là thế hệ thứ 7 của gia tộc họ Trần, tiếp tục gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình. Lời khấn nguyện khi thượng nêu cầu mong một năm mới tốt đẹp, trước hết là gia đạo bình an, con cháu học hành, làm ăn đạt thành phước hiển, kế đến là làng xóm yên vui, quê hương giàu mạnh, đất nước thái bình.
Cột trầu cau vào ngọn nêu.
Sau khi xong bài khấn và dâng cờ phướn, gia chủ bắt đầu cột trầu cau vào ngọn nêu.
Cột lá phướn bằng vải đỏ vào cây nêu, trên lá phướn đỏ vẽ tứ tung ngũ hoành để trấn trạch.
Bắt đầu thượng nêu, một người sẽ dùng cái thang để nâng đầu cây nêu, cùng lúc các thanh niên khác sẽ kéo căng 4 đầu dây cột thân nêu để dựng nêu đứng thẳng.
Thanh niên cùng gia chủ ra sức kéo 4 đầu dây, nâng cây nêu đứng thẳng và đặt vào vị trí hố đã chuẩn bị sẵn phía trước sân nhà.
Chủ nhà tưới nước vào gốc cây nêu, cầu mong năm mới có nhiều điều tốt lành.
Truyền thống dựng nêu ở Nam bộ nói chung mà trong đó là tại Phủ thờ Họ Trần có những điểm khác so với miền Bắc. Nếu ở miền Bắc, gia chủ dùng vôi bột vẽ hình cánh cung trên mặt đất mang ý nghĩa bắn đi những điều xui rủi thì ở đây được thay thế bằng lu nước, tưới vào gốc cây nêu, hàm ý cầu cho mùa màng bội thu, nhiều điều tốt lành sẽ đến.
Chủ nhà và quan khách cùng nhau ăn chén chè thưng và uống trà sau khi hoàn thành nghi thức thượng nêu. Đây cũng là tấm lòng hiếu khách của gia chủ đối với xóm giềng, bạn hữu đã đến cùng giúp sức, hỗ trợ quá trình dựng nêu.
Phong tục dựng nêu ngày Tết dần được khôi phục trong cuộc sống hiện đại. Một số gia đình như dòng họ Trần thực hiện theo nghi thức truyền thống. Những cũng có một số nơi khác, giản lược nghi thức hơn và cũng tùy theo hoàn cảnh, điều kiện gia đình, thay thế bằng cách treo lồng đèn đỏ trên ngọn cây để tượng trưng.
Anh Trần Hữu Phú chia sẻ: Mình sống trong gia đình có truyền thống giữ gìn các phong tục tập quán xưa, thì ông bà lúc trước làm sao thì nay con cháu tiếp tục làm giống như vậy, tưởng nhớ ông bà mình. Không chỉ giữ lửa không mà cần tạo sự lan tỏa để mọi người hiểu biết hơn về truyền thống của dân tộc. Chúng tôi mời quý du khách đến nhà cùng tham gia nghi lễ thượng nêu để thấy và thêm hiểu để giữ gìn và phát huy về văn hóa truyền thống của quê hương, từ đó lan tỏa và khôi phục các phong tục tập quán văn hóa tốt đẹp.
Hoạt động dựng nêu ngày Tết hiện cũng đang được một số cơ sở du lịch với sản phẩm du lịch cộng đồng đưa vào thực hiện như là một phương thức để du khách có thêm trải nghiệm vào dịp Tết cổ truyền. Phủ thờ Họ Trần hàng ngày đều mở cửa đón tiếp du khách đến tham quan, trong đó có các nhóm khách quốc tế. Mời khách dùng thử chén trà, bánh mứt dân dã mà gia đình tự làm, kể những câu chuyện truyền thống, thời khai hoang mở cõi đến nay, nói cho du khách hiểu thêm về truyền thống văn hóa mà gia đình đã giữ gìn đến ngày nay, kể cho khách nghe những lễ nghi ở vùng đất Nam Bộ.