Trái cây chất lượng cao vẫn chưa “bay” xa

18/07/2012 - 08:16

Cây trồng được chăm sóc từ phương thức truyền thống chuyển sang tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP là một cố gắng lớn đối với nông dân, cộng với sự hỗ trợ của các ngành hữu quan. Trái cây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP được “bay” đến các thị trường khó tính như Mỹ và một số nước châu Âu để tiêu thụ, bán được giá cao, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho hộ dân. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều vướng mắc, cần quan tâm tháo gỡ…

 

Nông dân tiếp cận nhiều lợi

Năm 2009, 75 hộ dân trồng chôm chôm ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng (Chợ Lách) đã liên kết với nhau nhằm mục đích đối phó với thương lái ép giá khi thu mua trái cây. Đến năm 2010, được sự hỗ trợ của ngành hữu quan, mối liên kết này được nâng cao hơn, đó là Tổ liên kết sản xuất chôm chôm GlobalGAP. Trong quá trình canh tác, chăm sóc cây trồng, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt trên 200 tiêu chí. Từng tiêu chí đòi hỏi sự tự nguyện, tự giác rất cao ở từng nông dân. Vì thế, đã có sự sàng lọc và chỉ còn 36 hộ dân tham gia Tổ liên kết sản xuất chôm chôm GlobalGAP, với diện tích 22,24ha. Ông Trần Hoàng Sở - Tổ phó Tổ liên kết khẳng định: Tham gia canh tác, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nông dân được tiếp cận nhiều lợi ích. Trước hết, Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí để từng nhà vườn xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà kho, nhà vệ sinh tự hoại, điểm pha thuốc bảo vệ thực vật, đường ống dẫn nước sạch, tủ thuốc y tế gia đình). Ngành hữu quan chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho nông dân. Nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong danh mục cho phép sử dụng, với liều lượng hợp lý, thời gian cách ly để thu hoạch trái phải tuân thủ theo khuyến cáo. Các tác động của nông dân vào cây trồng đều được ghi chép cẩn thận vào sổ nhật ký. Hàng tháng, vào ngày 16 âm lịch, các thành viên trong tổ họp một lần, với sự tham dự của cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để giải đáp những ý kiến thắc mắc liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng. 36 hộ trong Tổ liên kết đã chăm sóc cây trồng theo một quy trình thống nhất, thu hoạch trái đạt sản lượng tương đối ổn định. Mẫu mã và chất lượng trái cây từng lúc được nâng lên. Từng thành viên trong Tổ được cấp mã số nông trại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Sản phẩm “vướng” đầu ra

Tổ liên kết sản xuất chôm chôm GlobalGAP ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Để bán trái cây cho Công ty với giá cao hơn thị trường 20%, từng chủ vườn phải tuân thủ đúng các quy định làm việc cho công nhân của nông trại, quy định đối với khách tham quan vào vườn cây. Theo ông Trần Hoàng Sở, từng nhà vườn đều xử lý không để cây trồng cho trái thu hoạch chính vụ. Cụ thể từ tháng 6-7, nhà vườn tiến hành xử lý và từ tháng 11 bắt đầu thu hoạch trái đến tháng 3 năm sau mới kết thúc. Thời điểm này nhiều loại cây trồng khác không cho trái. Chôm chôm trở thành trái cây thay thế nên giá bán thấp nhất cũng hơn 10.000 đồng/kg, cao điểm từ 23.000-24.000 đồng/kg. Nếu cộng thêm giá ký hợp đồng với công ty thu mua cao hơn 20% thì nông dân rất phấn khởi.

Tuy nhiên, qua thu hoạch vụ đầu tiên, các thành viên trong Tổ đã bị hụt hẫng, bởi công sức bỏ ra quá nhiều nhưng khâu tiêu thụ chưa có sự khác biệt so với nhà vườn áp dụng phương thức canh tác truyền thống. Công ty đến thu mua trái cây nhưng phân loại quá nghiêm ngặt. Chôm chôm đạt kích cỡ 32 trái trở lại nặng 1kg mới được thu mua, số còn lại nhà vườn phải tự tìm thương lái để bán. Vụ chôm chôm vừa qua, 36 thành viên trong Tổ thu hoạch trên 600 tấn nhưng Công ty chỉ thu mua 20 tấn.

Không riêng Tổ liên kết sản xuất chôm chôm GlobalGAP, ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng mà Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh VietGAP ở xã Hòa Nghĩa cũng “vướng” ở đầu ra sản phẩm. Từ đầu năm 2012 đến nay, trong các loại nông sản thì trái bưởi da xanh có giá cả ổn định hơn hết. Nếu đơn vị thu mua thực hiện nghiêm hợp đồng thu mua thì người trồng bưởi rất phấn khởi, nhưng thực tế không như vậy. Theo ông Cổ Thượng Lộc - Tổ trưởng Tổ liên kết cho rằng, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi nghiêm ngặt không kém GlobalGAP. Tổ từ 40 hộ tham gia nhưng đến thời điểm xét thì chỉ 18 hộ đạt. Công ty TNHH Hương Miền Tây đã ký hợp đồng thu mua bưởi, với giá cao hơn thị trường từ 10-15%. Công ty có cơ sở thu mua trên địa bàn xã Hòa Nghĩa nhưng chỉ có 1 người đảm nhận, mỗi khi đến thu hoạch trái báo vài ngày mới đến thu mua. Khi thu mua, Công ty Hương Miền Tây phân ra 4 loại bưởi tùy theo trọng lượng, còn các thương lái khác chỉ phân ra 2 loại. Sau khi so sánh giá cả của hai cách thu mua cộng với thời gian vào vườn cắt bưởi, chỉ còn ông Cổ Thượng Lộc bán cho Công ty TNHH Hương Miền Tây.

Ông Trần Hoàng Sở cho rằng, thời hạn có giá trị của giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP chỉ 1 năm, sau đó nhà vườn phải thuê Công ty đến thẩm định lại các tiêu chí mới mới được đề nghị tái công nhận. Hiện nay, giấy chứng nhận của Tổ đã hết hạn gần 1 tháng, Công ty hợp đồng thu mua chỉ đồng ý hỗ trợ 50% chi phí đề nghị tái cấp giấy chứng nhận, mỗi hộ dân phải đóng góp 1 triệu đồng nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Ông Sở cùng một vài thành viên khác phải đến từng hộ vận động và trực tiếp ra vườn kiểm tra các tiêu chí để việc tái cấp giấy chứng nhận được thuận lợi hơn. Theo ông Sở, áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP vào chăm sóc cây trồng rất thiết thực. Về lâu dài, doanh nghiệp thu mua và nhà vườn phải dung hòa lợi ích để tìm ra tiếng nói chung. Phía doanh nghiệp cần xem lại cách thu mua, có thể mở rộng thêm thị trường để khi phân loại kích cỡ trái cây, gắn với thị trường tiêu thụ. Nhà vườn phải khắc phục khuyết điểm, không nên giữ lại trái trên cây quá nhiều, điều tiết số lượng bông hợp lý để thu hoạch nhiều trái to. Cần nhiều doanh nghiệp có pháp nhân thu mua trái cây trực tiếp xuất khẩu.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN