TP. Bến Tre: Kinh tế phục hồi, phát triển ổn định

08/01/2021 - 06:57

BDK - Thực hiện tinh thần “Bứt phá về đích”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Bến Tre nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố năm 2020, UBND thành phố đã triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt kết quả đáng ghi nhận.

Du khách quốc tế tham quan du lịch trên địa bàn TP. Bến Tre. Ảnh: Hồng Quốc

Thương mại - dịch vụ - du lịch ổn định

Hoạt động thương mại, dịch vụ sau thời gian chịu ảnh hưởng của hạn mặn và dịch Covid-19 bùng phát đã dần phục hồi và ổn định trở lại. Tổng doanh thu thương mại, dịch vụ đạt 37.067 tỷ đồng, tăng 6,32% so với năm 2019. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 15.092 tỷ đồng, tăng 11,2%.

Hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển, nhất là loại hình kinh doanh, dịch vụ tiện ích (cửa hàng Bách hóa xanh,Vinmart+, bán hàng online); Siêu thị Dừa Bến Tre tại Khu dân cư Hưng Phú (với hơn 100 mặt hàng sản xuất từ dừa, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ một phần cho công tác tuyên truyền, quảng bá), Trung tâm thương mại GO - Bến Tre, khách sạn Diamond Stars Bến Tre… đưa vào hoạt động góp phần phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn thành phố. Thành phố tạo điều kiện hỗ trợ gần 30 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia 3 đợt hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Chợ truyền thống trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì hoạt động, trong đó chợ Đầu mối nông - thủy sản Phường 8 hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Thành phố còn phối hợp với ngành chức năng tỉnh hỗ trợ 16 doanh nghiệp, cơ sở quảng cáo trên website của tỉnh và thành phố, sàn giao dịch điện tử của tỉnh.

Trong những tháng đầu năm 2020, du lịch thành phố gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều tour, tuyến sau khi đăng ký đều bị hủy, lượng khách tham quan sụt giảm mạnh. Ước tổng doanh thu du lịch 177,579 tỷ đồng, bằng 54,7% so với năm 2019, lượng khách du lịch ước 273.199 lượt người, bằng 58,91% so với năm 2019.

Để hỗ trợ công ty, cơ sở du lịch duy trì phát triển, các ngành chức năng tỉnh và thành phố phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ lập thủ tục để được hỗ trợ kinh phí khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh và đã có 6 cơ sở được nhận hỗ trợ. Đồng thời, thành phố đang xúc tiến lập thủ tục xây dựng bến tàu du lịch, đôn đốc nhà đầu tư sớm hoàn thành trình phê duyệt phương án thiết kế “Phố đêm xứ Dừa” tại xã Mỹ Thạnh An, tạo thêm điểm tham quan du lịch, đặc biệt là giữ chân khách du lịch tại TP. Bến Tre.

Bên cạnh đó, 3 khu du lịch quy mô lớn trên địa bàn thành phố như Lan Vương, Phú An Khang, Hạ Thảo tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng, nhằm thu hút khách đến vui chơi. Ngành chức năng thành phố đang hỗ trợ Khu du lịch Lan Vương hoàn thành các thủ tục để được công nhận khu du lịch cấp tỉnh. Đề án phát triển du lịch TP. Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025 chuẩn bị được thông qua gắn với việc tổng kết Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.

Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá

Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, ước thực hiện 6.794 tỷ đồng, tăng 6,28%. Trong đó, ngành xây dựng tăng 6,94%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 2%. Một số sản phẩm tăng trong điều kiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có nhiều khó khăn như: sản xuất gạch tăng 10,5%, thuốc tân dược tăng 7,9%, may công nghiệp tăng 10,7%, kẹo dừa tăng 4,7%.

Các ngành, các cấp đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường. Tranh thủ nguồn vốn khuyến công, thành phố đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh lập 4 dự án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 2,91 tỷ đồng; 6 dự án đầu tư vốn khuyến công tỉnh và 2 dự án nguồn vốn thành phố để giúp các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn ổn định hoạt động sản xuất. Đã giải ngân vốn hỗ trợ 2 dự án khuyến công quốc gia, số tiền 590 triệu đồng; vốn khuyến công tỉnh giải ngân 2 dự án số tiền 500 triệu đồng.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được quan tâm thực hiện. Có 23 sản phẩm được công nhận 4 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm được Hội đồng tỉnh đánh giá 5 sao và đã gửi hồ sơ về Hội đồng Trung ương xét công nhận. Hiện có 5/14 xã, phường có sản phẩm OCOP.

Cụm công nghiệp Phú Hưng đã thực hiện xong việc kiểm đếm hoa màu, nhà ở, vật kiến trúc của 248 hộ dân, với 426 thửa đất, đạt 97,5% so với tổng số thửa. Đơn vị tư vấn đang thực hiện chỉnh sửa, kiểm tra hoàn chỉnh dự thảo phương án hệ số điều chỉnh giá đất để làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ người dân. Hệ thống điện được quan tâm đầu tư, cải tạo. Năm 2020, có 1,435km đường dây trung thế và 9,256km đường dây hạ thế được cải tạo, phát triển mới với tổng vốn 10,46 tỷ đồng. Các xã nông thôn mới duy trì tiêu chí về điện. Tỷ lệ sử dụng điện toàn thành phố đạt 100% so với tổng hộ dân có đủ điều kiện. Một số công ty, cơ sở sản xuất, hộ gia đình sử dụng điện năng lượng mặt trời, nhưng tỷ lệ chưa nhiều, do chi phí đầu tư cao. Điện lực Thành phố phối hợp với cơ quan chủ quản thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra khắc phục chỉnh trang cáp quang và đã khắc phục xong 40 tuyến đường; trong đó Điện lực Thành phố thực hiện 35 tuyến, các nhà mạng viễn thông thực hiện 5 tuyến.

Nông nghiệp dần phục hồi

Ngay từ đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng hạn mặn. Qua khảo sát có 10/14 xã, phường có hộ dân bị thiệt hại về cây trồng, tổng diện tích trên 631,7 ngàn héc-ta/2.701 hộ, với số tiền hỗ trợ 1,642 tỷ đồng. Đến nay, diện tích cây dừa, hoa màu, cây ăn trái đã dần khôi phục.

 Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tương đối ổn định. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 ước đạt 290,35 tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tập trung phát triển cây trồng chủ lực như: dừa, bưởi da xanh theo hướng thâm canh tại các xã Sơn Đông, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh... các sản phẩm chế biến từ dừa gắn với củng cố, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng các tiêu chuẩn GAP, thực hiện liên kết, xây dựng chuỗi giá trị. Đã chuyển đổi 3,1ha lúa trên địa bàn xã Phú Hưng sang trồng dừa và các loại cây trồng. Thực hiện mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho Hợp tác xã du lịch - nông nghiệp Bến Tre xã Nhơn Thạnh 12,2ha, với 31 hộ tham gia, mô hình phát triển sản xuất dừa xiêm xanh theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã dừa xiêm xanh xã Phú Nhuận 9,5ha, với 34 hộ tham gia, ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, ngân sách thành phố hỗ trợ trên 50 triệu đồng thực hiện 2 mô hình trồng ổi Ruby ruột đỏ và 1 mô hình nuôi chim cút.

   Thiên An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN