Đầu tư phát triển tài chính, thương mại, dịch vụ. Ảnh: N. Hùng
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng
Đại hội lần thứ X của Đảng bộ TP. Bến Tre, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp và thân thiện; quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang đô thị. Mục tiêu đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm thực hiện gắn với nhiệm vụ xây dựng thành phố văn minh đô thị và xã nông thôn mới với những kết quả đạt được rất tích cực.
Vài năm trở lại đây, kết cấu hạ tầng có bước phát triển nhanh, đồng bộ, tạo bước phát triển đột phá cho phát triển không gian đô thị về phía Bắc, Tây Bắc (xã Bình Phú, xã Sơn Đông) và về phía Nam (xã Mỹ Thạnh An, xã Phú Nhuận). Đặc biệt, gắn với xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có sự đóng góp rất lớn của nhân dân về tiền mặt, đất đai, hoa màu, ngày công lao động. Do vậy, hệ thống giao thông ngày càng phát triển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng như đường Đồng Văn Cống, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thảo, Võ Nguyên Giáp....
Thành phố cũng đã tập trung công tác chỉnh trang, sửa chữa và xây dựng mới các công trình công cộng và dân dụng. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch chi tiết các khu chức năng đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc và chất lượng công trình xây dựng theo các quy định hiện hành. Xây dựng và cải tạo đồng bộ các công trình giao thông, cấp thoát nước, mạng lưới điện, viễn thông. Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế với kết cấu hạ tầng xã hội, nhất là các công trình giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ xã hội.
Hệ thống giáo dục cũng có bước phát triển rất nhanh trên cơ sở thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp. Đến nay, hệ thống trường lớp học cơ bản đã được đầu tư hoàn chỉnh. Nếu như năm 2010 chỉ có 10 trường đạt chuẩn quốc gia thì hiện nay có 24 trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường học được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy như Trường Tiểu học Bến Tre, Trường Tiểu học Phú Thọ, Trường THCS Thành phố Bến Tre, Trường Mầm non Bình Minh, Trường Mầm non Rạng Đông, Trường Mầm non Ánh Dương, Trường THPT Chuyên Bến Tre và một số trường mầm non theo phương thức xã hội hóa: Trường Mầm non Quốc tế ABI, Trường Mầm non Bảo Quyên.
Thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư phát triển. Hệ thống chợ, siêu thị được xây dựng mới, khang trang, đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa cho người dân như: Siêu thị Co.op Mart, siêu thị Điện máy Chợ Lớn, hệ thống cửa hàng Thế giới di động, siêu thị Nguyễn Kim, Trung tâm thương mại Bến Tre, chợ Bến Tre, Trung tâm Thương mại triển lãm và Hội nghị Quốc tế - Việt Nam.
Phát triển đô thị
Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển biến rõ nét, thể hiện những dấu hiệu tích cực phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại chiếm tỷ trọng 71,99%. Thành phố phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ yếu là du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp, thu hút lượng khách du lịch tăng hàng năm 12%. Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng, khách sạn được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu cho khách tham quan như: Khách sạn Việt Úc, Khách sạn Dừa, TTC Palace, nhà hàng Đồng Khởi, nhà hàng khách sạn Hàm Luông,...
Hạ tầng giao thông đô thị có bước chuyển mình rõ rệt. Hàng loạt dự án được đầu tư theo quy hoạch phát triển đô thị, tạo bộ mặt đô thị mới, góp phần xây dựng thành công đô thị loại II. Các dự án trọng điểm như: đường vành đai thành phố, đường Nguyễn Huệ nối dài, đường Võ Nguyên Giáp, đường Đồng Văn Cống, đường Phạm Ngọc Thảo, đường Nguyễn Văn Nguyễn. Hệ thống thoát nước được đầu tư đồng bộ với việc xây dựng các tuyến đường chính, hẻm nội thị, cống thoát nước chủ yếu bê-tông cốt thép, kết hợp các mương, rãnh thoát nước có tổng chiều dài khoảng 79,86km. Hạ tầng cấp điện cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống công viên, mảng xanh, dải phân cách cũng được đầu tư, từng bước tăng mỹ quan đô thị. Tổng diện tích cây xanh trên địa bàn thành phố 2.20.687m2, đất cây xanh đô thị đạt 10,94m2/người.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh, để định hướng phát triển, thành phố xác định cơ cấu về vốn cho đầu tư phát triển đô thị, bao gồm vốn tỉnh, vốn địa phương, vốn huy động từ các tổ chức khác. Chủ động tranh thủ các nguồn vốn đầu tư các công trình phát triển đô thị. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Bến Tre. Tiếp tục vận động nhân dân đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, đặc biệt là mở rộng lộ hẻm thành đường bằng các phương thức phù hợp.
Tăng cường công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư thông qua chính sách ưu đãi đầu tư chung trên địa bàn toàn tỉnh. Ban hành danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong từng giai đoạn để làm cơ sở xúc tiến mời gọi đầu tư. Tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức được tầm quan trọng đầu tư phát triển đô thị. Thực hiện “Nếp sống văn minh đô thị” đi đôi với việc phát động xây dựng đô thị “không rác”. Tăng cường quản lý cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch, từng bước khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán.
UBND thành phố đã phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định Quy hoạch chung đến năm 2030 với quy mô diện tích 2.780ha, với 280 ngàn dân và 6 phân khu đô thị. Thành phố hiện có 42 đồ án quy hoạch phân khu, chi tiết đã lập và được phê duyệt. Tỷ lệ phủ kín so với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Bến Tre đến năm 2030 được phê duyệt năm 2013 đạt trên 80%. Ngoài đô thị, thành phố phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng các khu chức năng: Khu tái định cư cục bộ giản đơn Phú Dân (phường Phú Khương) quy mô 5,06ha; Khu tái định cư cục bộ giản đơn ấp Phú Hào (xã Phú Hưng) quy mô 0,9ha; Khu tái định cư Đông Á - Phú Nhuận (Phú Nhuận) quy mô 6,96ha. |
Bài, ảnh: Thu Huyền