Tổng thống Nga V. Putin kêu gọi Mỹ gia hạn Hiệp ước New START

17/12/2020 - 22:22

Trong cuộc họp báo thường niên năm 2020 diễn ra ngày 17-12-2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi Mỹ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) mà theo kế hoạch sẽ hết hạn vào tháng 2 năm sau.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trên màn hình) phát biểu trong cuộc họp báo thường niên, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tại Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva, ngày 17-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

New START giữa Nga và Mỹ được các lãnh đạo Mỹ và Nga khi đó ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Các điều khoản trong hiệp ước này quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình sau 7 năm kể từ khi ký hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.

Thỏa thuận quy định, Nga và Mỹ mỗi năm hai lần phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng tên lửa. Ngày 5-2-2018 là thời hạn chót để Nga và Mỹ đạt được các chỉ tiêu quy định trong New START và sau đó đến 5-2-2021, hai bên cần phải ký gia hạn hiệp ước.

Tổng thống Putin cho rằng Mỹ đang gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới, đồng thời khẳng định Nga đang phát triển các vũ khí mới, trong đó có vũ khí siêu vượt âm, là để đối phó với các tên lửa hạt nhân của nước ngoài.

Về vấn đề Nagorny-Karabakh, người đứng đầu nước Nga cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại khu vực này sẽ được tăng lên, nhưng phải có sự nhất trí của các bên xung đột. 

Theo Tổng thống Nga, giao tranh bùng phát trở lại tại khu vực Nagorny-Karabakh trong năm nay không phải do sự can thiệp của  nước ngoài mà là vấn đề tồn tại chưa giải quyết giữa Azerbaijan và Armenia. Hiện tình hình tại đây đang được kiểm soát, và ít xảy ra các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn kể từ sau khi các bên đạt được thỏa thuận này vào đầu tháng 11 vừa qua. Tổng thống Putin cũng cho rằng không chỉ riêng một mình Nga, các bên trung gian quốc tế hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh cần phải biến lời nói thành hành động và giúp đỡ người dân tại khu vực này. 

Liên quan tình hình Belarus, Tổng thống Putin cho rằng nước này cần được tạo điều kiện để tự giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Theo ông, chính Tổng thống Alexander Lukashenko cũng đã nhiều lần thể hiện mong muốn như vậy. Ông Putin chỉ trích sự can thiệp, sự hỗ trợ thông tin, tài chính của lực lượng đối lập từ nước ngoài đối với các cuộc biểu tình ở Belarus.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN