Tổng kết dự án xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP
17/12/2024 - 13:58
BDK.VN - Ngày 17-12-2024, tại xã Quới Thành, huyện Châu Thành, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp đã chức hội nghị tổng kết Dự án“xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long’. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức, đại biểu các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp tham gia dự án, đông đảo nông dân về dự.
Trao bảng Điểm sinh hoạt Tổ khuyến nông cho các xã tham gia dự án.
Dự án sản xuất 400ha cây ăn trái, gồm xoài, mít, sầu riêng, bưởi thực hiện trong 3 năm theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu đạt hiệu quả cao.
Năng suất mô hình tăng 10% trở lên so với ngoài mô hình và kết nối với các dự án ngoài vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc và chứng nhận VietGAP.
Xây dựng 4 mô hình hợp tác xã tổ chức quản lý sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 15% so với sản xuất đại trà.
Tổ chức đào tạo, tập huấn, sơ, tổng kết, thông tin tuyên truyền nhằm nhân rộng mô hình 20% so với quy mô dự án. Kết nối nội dung của dự án với các dự án hiện có trong vùng để phát triển vùng nguyên liệu, phát huy hiệu quả đầu tư.
Năm 2022, năng suất trung bình sầu riêng đạt 15,9 tấn/ha, lợi nhuận 908 triệu/ha; bưởi da xanh 14 rấn/ha, lợi nhuận 280 triệu đồng/ha, xoài 35 tấn/ha, lợi nhuận 482 triệu đồng/ha, mít 18 tấn/ha, lợi nhuận 177 triệu đồng/ha.
Năm 2023 sầu riêng năng suất 16,4 tấn/ha; lợi nhuận 388 triệu đồng/ha so với vườn đối chứng, bưởi da xanh 14,5 tấn/ha, lợi nhuận 225 triệu đồng/ha, xoài 35 tấn/ha, lợi nhuận 420 triệu đồng/ha, mít 18 tấn/ha, lợi nhuận 177 triệu đồng/ha.
Năm 2024, sầu riêng 15,9 tấn/ha, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/ha, bưởi da xanh 16,35 tấn/ha, lợi nhuận 224 triệu đồng/ha. Xoài 35 tấn/ha, lợi nhuận 420 triệu đồng/ha, mít 35 tấn/ha, lợi nhuận 532 triệu đồng/ha. Trung bình lợi nhuận tăng hơn từ 10 - 30% so với đại trà.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức phát biểu tại hội nghị.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôntỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức, dự án đã nâng cao kiến thức kỹ thuật thâm canh cây ăn quả theo VietGAP cho người dân, giúp nông dân hạn chế sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp tổng hợp, làm tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả, tạo vùng sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành hàng trái cây tại địa phương.
Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học đúng theo quy trình và định mức kỹ thuật, giảm tác động xấu đến môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây ăn quả theo VietGAP, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, làm tăng thu nhập cho nông dân, ổn định thị trường, góp phần phát triển ngành hàng cây trái địa phương.
Các mô hình áp dụng đồng bộ những biện pháp kỹ thuật, giúp nông dân từng bước áp dụng vào sản xuất, mô hình đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Các mô hình thực hiện đều hướng tới việc liên kết với doanh nghiệp nhằm xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ thị trường. Ngành khuyến nông cần tổ chức phổ biến nhân rộng.