Tổng kết 10 năm thực hiện Ðề án An ninh lương thực quốc gia

09/04/2019 - 21:43

Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Văn Bé Sáu phát biểu tại hội nghị.

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5-8-2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm chủ trì hội nghị.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 53, kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được quan tâm. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng liên kết sản xuất - tiêu thụ được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa được quan tâm thực hiện. Hoạt động đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất trong lĩnh vực chế biến nông sản được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Bước đầu hình thành mối liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến đã góp phần tác động tích cực đến tăng trưởng ngành nông nghiệp và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Về giải pháp trong thời gian tới, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi chỉ đạo: “Cần trả lời cho được các câu hỏi như Bến Tre đảm bảo an ninh lương thực bao nhiêu phần trăm so với nhu cầu của người dân trong tỉnh. Cho đến giờ này, người dân canh tác lúa đạt doanh thu bao nhiêu/ha, tương tự với các loại cây trồng khác?”. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng nêu vấn đề: “Diện tích không là yếu tố then chốt mà khoa học kỹ thuật, hạ tầng, chính sách, khuyến khích chế biến, lưu thông, phân phối, xuất khẩu quyết định”.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo: Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp Bến Tre giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, cần xác định cho được thị trường tiêu thụ, sản phẩm chính của tỉnh để tiến hành tổ chức sản xuất, theo hướng sạch, hữu cơ. Cần đặt ra nhiều vấn đề và đưa ra giải pháp giải quyết trong định hướng tới. Ví dụ, nếu như tới đây, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh không còn (con heo), thì tỉnh cần có giải pháp để thay đổi sinh kế cho người sản xuất nông nghiệp.

Tin, ảnh: C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN