Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Thuận lợi của thu thập dữ liệu điện tử

03/04/2019 - 06:58

BDK - Sau lễ ra quân tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tại 164 xã, phường, thị trấn vào sáng 1-4-2019, các điều tra viên (ĐTV) đồng loạt tiến hành thu thập dữ liệu theo quy định. Theo đánh giá bước đầu của ngành chức năng, quá trình thu thập thông tin diễn ra tương đối thuận lợi.

Điều tra viên phỏng vấn, thu thập thông tin tại hộ dân ở Tổ 1, ấp Phước Hữu, xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành.

Tiết kiệm thời gian, công sức

Buổi phỏng vấn thu thập thông tin ở hộ bà Trần Thị Thanh Thủy ở Tổ 1, ấp Phước Hòa, xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành diễn ra chỉ hơn 5 phút. Hộ bà Thủy thuộc diện thực hiện phiếu điều tra toàn bộ với các thông tin được thu thập bao gồm: thông tin về dân số (thông tin cá nhân, họ tên, giới tính, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân…), thông tin về nhà ở (tình trạng nhà ở, quy mô diện tích, kết cấu nhà, loại vật liệu xây dựng, năm đưa vào sử dụng…). Vui vẻ, thoải mái sau khi hoàn thành phần cung cấp thông tin cho ĐTV, bà Thanh Thủy cho biết: “Tôi thấy phỏng vấn cũng nhẹ nhàng, cách làm nhanh gọn nên không mất thời gian”.

ĐTV Trịnh Thị Minh Kha phụ trách địa bàn ấp Phước Hòa và 2 tổ thuộc ấp Phước Ngãi, xã Phú An Hòa với trên 200 hộ cho biết: “Giao diện của phần mềm rất dễ thao tác. ĐTV nếu sử dụng điện thoại di động thông minh rành rẽ thì thao tác rất nhanh. Cách làm cũng đơn giản, sau khi ĐTV nhập đầy đủ và chính xác dữ liệu vào thiết bị và đồng bộ về hệ thống kiểm soát thông tin tác nghiệp thì coi như đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Tóm tắt sơ nét về quy trình thực hiện, chị Minh Kha cho biết: Mỗi ĐTV được cấp tài khoản và mật khẩu riêng để đăng nhập và sử dụng phần mềm tổng điều tra dân số và nhà ở. Thông tin định danh của các hộ dân trong địa bàn điều tra mà ĐTV được phân công sẽ tự động được đồng bộ vào các phiếu điều tra điện tử. Yêu cầu thiết bị di động của ĐTV phải được bật định vị GPS và kết nối internet liên tục trong quá trình điều tra. Khi tiến hành điều tra, ĐTV sẽ hỏi người dân và nhập thông tin trực tiếp trên thiết bị di động vào phiếu điện tử. Thông tin được cập nhật trên hệ thống chung, sau đó được các giám sát viên kiểm tra, nghiệm thu trước khi gửi về Trung ương.

Cần cẩn thận, tế nhị

Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, theo nguyên tắc, ĐTV phải phỏng vấn trực tiếp chủ hộ, chỉ khi nào người dân không thể nhớ thông tin hoặc không còn nguồn nào để tra cứu thì mới mượn sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của các thành viên trong gia đình. Vì thông tin khai trên giấy tờ đôi khi có sự sai sót so với thực tế, đồng thời cũng tránh tình trạng ĐTV chủ quan vào sổ hộ khẩu, làm sai lệch kết quả điều tra. Có những trường hợp phải khai theo lời khai của người dân như tuổi thật, tình trạng hôn nhân, thời điểm kết hôn lần đầu…

Trên thực tế, khi đến trực tiếp phỏng vấn người dân, có nhiều tình huống phát sinh, đòi hỏi ĐTV phải linh động và khéo léo. Ông Trần Minh Điền - công chức thống kê xã Phú An Hòa, tổ trưởng giám sát cho biết: “Cần lưu ý những câu hỏi tế nhị, nhất là câu hỏi về số người chết trong thời điểm quy định. ĐTV cần khéo léo xem xét thực trạng, hoàn cảnh rồi nêu câu hỏi cho phù hợp, nói rõ với người dân hiểu để không làm người dân sốc, phản ứng”.

Bên cạnh đó, quan trọng nhất là không để sai sót thông tin. Nếu như tại các địa bàn của huyện Chợ Lách hay Mỏ Cày Nam, ngành thống kê huyện có giải pháp là in kèm bảng kê hộ để ĐTV đối chiếu số lượng nhân khẩu thì ở Châu Thành, ĐTV được yêu cầu trang bị thêm 1 sổ tay để ghi chú tên nhân khẩu trong các hộ và những thông tin cần chú ý khác như tháng, năm sinh, số điện thoại liên lạc… “Ghi sổ tay họ tên các nhân khẩu thuộc hộ, năm sinh giúp ĐTV nắm được số nhân khẩu mình đang thu thập thông tin, là cơ sở để dễ dàng kiểm tra, kiểm soát thông tin đã được thu thập”, ông Trần Minh Điền nói.

Các ĐTV không được chủ quan trong thu thập thông tin. Dù là địa bàn quen thuộc nhưng cần khéo léo trong cách hỏi, có những câu hỏi ĐTV có thể từ nhận định để nhập dữ liệu như về tình trạng nhà chung cư hay nhà riêng. Tuy nhiên không vì vậy mà chủ quan, các câu hỏi đều cần hỏi qua người dân để khai đúng”. Có thể đem hộ khẩu ra để hỗ trợ đối chiếu, yêu cầu cung cấp giấy khai sinh để đối chiếu, tránh sót thông tin trong trường hợp chủ nhà không nhớ nhưng chỉ khi nào không còn cách nào khác.

“Theo tôi, khó khăn lớn nhất cho các ĐTV chính là khi gặp các hộ e ngại không cung cấp thông tin hoặc khó gặp được. Khi đó, ĐTV có thể nhờ tổ trưởng tổ nhân dân tự quản dẫn tới và giới thiệu với hộ dân để tạo niềm tin. Đối với địa bàn có nhiều nhà trọ công nhân, ĐTV có thể nhờ chủ nhà trọ giới thiệu. Hoặc các hộ gia đình khó gặp vào ban ngày thì ĐTV chịu khó đi đến vào chiều tối, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật”, chị Minh Kha nhận xét.

Ngoài ra, còn có tình trạng số nhân khẩu thường trú hiện tại phát sinh nhiều hơn so với bảng kê hộ mới được cập nhật từ ngày 15-3-2019 do có những người mới thay đổi điểm lưu trú trong thời gian này. Điều này đòi hỏi ĐTV không được chủ quan.

 Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN