Đặt vấn đề ở đầu cuốn sách, tác giả viết: “Có những tượng đài trăm năm đã đổ, như Kodak, như Nokia, như Blockbuster, như Toy R Us. Họ lẫy lừng một thời hô gió gọi mưa. Chỉ vì chậm thôi, chỉ vì không thay đổi thôi, chỉ vì quá chủ quan, không tiếp tục học để tiến hóa thôi, họ ngã sóng soài trên hào quang quá khứ. Còn ta, hay ta dừng lại tiếc thương chút huy hoàng trong quá khứ, tặc lưỡi như thạch sùng và hóa thành tượng đá chờ nhau?”. Về vấn đề này, Giáo sư Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Hoa Kỳ) cũng nhận định: “Môi trường sống của chúng ta kể cả ở Việt Nam đang thay đổi ở một tốc độ chưa từng có do cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại. Trong sự thay đổi ấy, luật tiến hóa của vạn vật sẽ là tấm lưới chọn lọc những ai tồn tại. Đó không phải là người thông minh nhất, cũng không phải là người mạnh nhất hay nhanh nhất mà là người có khả năng thích nghi cao nhất”.
Có thể nói, nữ tác giả Nguyễn Phi Vân đã mang đến một cuốn sách có giá trị “đánh thức” rất mạnh, nhất là đối với những người trẻ. Là một người giàu trải nghiệm với một lịch sử kinh nghiệm đáng nể, sinh sống và học tập, làm việc tại hơn 80 quốc gia và tham gia cố vấn nhiều chương trình phát triển doanh nghiệp, phát triển nhượng quyền quốc tế, phát triển kinh tế sáng tạo cho các chính phủ khu vực, nhưng cô lại viết: “Tình thật, tôi cũng chỉ bắt đầu như các bạn, có khi còn tệ hơn là đằng khác. Điều vĩ đại duy nhất tôi tình cờ vấp phải là sự chới với, bàng hoàng trong một chiều hạ mong manh, về sự ngộ nhận, sự tự cao đầy ngu dốt của bản thân mình. Thì ra thế giới ngoài kia to lớn lắm!”.
Nữ tác giả Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Úc, đã từng giữ những vị trí cao cấp trong các tập đoàn như giám đốc marketing quốc tế, tổng giám đốc châu Á - Thái Bình Dương, giám đốc phát triển toàn cầu. Cô còn là một diễn giả quốc tế, đã nhận nhiều giải thưởng trong ngành bán lẻ và nhượng quyền toàn cầu và là tác giả của 5 tác phẩm sách tiếng Anh và tiếng Việt. Học cả đời - nền tảng quan trọng nhất để hội nhập tương lai” - Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh. Cô nhận xét: “Thế giới bất định. Kiến thức học được trong trường, mới học xong đã cũ. Giờ sao? Đâu có cách nào khác đâu, cứ phải tiếp tục học bỏ kiến thức cũ, học nạp kiến thức mới, học củng cố kiến thức đang có, học nâng cao và chuyên sâu kiến thức chuyên ngành...”.
Với cách diễn đạt thân tình như kể chuyện, Nguyễn Phi Vân chú tâm vào việc đưa ra giải pháp và hướng dẫn cách làm cụ thể hơn là nói suông. Không chỉ “đánh thức” tư duy người đọc, những thông tin trong sách đều có giá trị tham khảo, gần như là một cẩm nang hướng dẫn mở rộng tư duy, phát huy tiềm năng của bản thân. Những nhận định, đánh giá của cô về các vấn đề xã hội đều được dẫn chứng bằng hệ thống số liệu thống kê khoa học và đầy thuyết phục.
Đã từng được biết đến rất nhiều từ cuốn sách “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” vào năm 2016, Nguyễn Phi Vân đã “định vị rõ ta ở đâu trong dòng chảy chưa bao giờ ngưng nghỉ” để “biết cần phải làm gì để rút ngắn khoảng cách, để bước những bước đầu tiên trên hành trình tiệm cận thế giới ngoài kia, để trở thành công dân toàn cầu của thế kỷ 21”. Và với “Tôi, Tương lai và Thế giới”, có thể nói đây là bộ kỹ năng để giúp độc giả “quay lại với chính bản thân mình, tập trung vào phát triển nội lực, nâng cao tầm vóc của chính ta”.
Tôi, Tương lai và Thế giới đem đến cho độc giả 13 chương sách, chủ yếu nói về các kỹ năng để phát triển bản thân trong bối cảnh xã hội mới. Trong đó, các kỹ năng mà tác giả phân tích sâu như: phát triển tư duy mở, tự học một cách thông minh, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng sáng tạo, đối thoại, giao tiếp với mọi người, kỹ năng hợp tác, trí thông minh cảm xúc, cách tự học và khả năng tự start-up...
Thay lời kết, Nguyễn Phi Vân một lần nữa nhắn nhủ: “Quay về, để thành thật đối diện với riêng mình, để cởi bỏ những mặc cảm tự ti khi bóng đêm đổ vào lòng phố, để câm lặng cúi rạp người nhận ra ta chẳng bằng ai, để nhốt lại bao vật vã, chới với khi hiểu rằng đường còn xa, xa lắm... Tôi, Tương lai và Thế giới là những lời tâm sự rất chân thành, riêng tư giữa bạn và tôi. Trên hành trình luôn vươn ra, vươn xa và không ngừng học hỏi của chính mình, tôi viết quyển sách này để nhắc nhở bản thân, để tạo động lực cho chính mình, và để tìm người đồng hành như bạn”.
Bài, ảnh: Triều Dương