Khu vừng ấy là chiếc nôi đã ấp ủ, cưu mang bao hoài bão, ước mơ về một lý tưởng cao đẹp của lớp diễn viên trẻ chúng tôi trưởng thành, cho tiếng hát mùa xuân mãi mãi tươi xanh...
của kẻ thù, nên tất cả số diễn viên Bến Tre được rút về Khu 8 đều mất sức rất nhiều. Tuy vậy, khi đến nơi, được tập thể Đoàn văn công Đồng Tháp và các đồng chí lãnh đạo Tuyên huấn Khu 8 niềm nở đón tiếp, chăm sóc hết sức tận tình, nên mấy ngày sau, chúng tôi đã bước vào tập dợt, xây dựng chương trình biểu diễn tổng hợp. Trong lúc ấy, tin Bến Tre chiến thắng (Tết Mậu Thân 1968) và các nơi dồn dập “bay” về. Nhạc sĩ Lan Phong háo hức giục tôi:
- Thu Vân! Bến Tre mình chiến thắng lớn quá, em viết gì cho quê hương đi!
- Em biết gì đâu mà viết? – Tôi trả lời tỉnh bơ như người vô tình, nhưng thật sự lòng tôi cũng xúc động lắm.
- Ừ thì em làm thơ, hay viết bài ca! Viết như mừng chiến thắng Lương Phú vậy đó - Nhạc sĩ Lan Phong nói thêm.
Nhắc đến Lương Phú, tôi nhớ vào tháng 9-1964, bộ đội Bến Tre đánh bót Lương Phú (Giồng Trôm) chiến thắng lớn, nhưng các anh hy sinh cũng nhiều. Nghe tin, tôi xúc động, sáng tác bài thơ “Mừng chiến thắng Lương Phú”. Bài thơ được ban lãnh đạo Đoàn duyệt và làm tiết mục biểu diễn (của Đoàn văn công Giải Phóng tỉnh Bến Tre), do tôi diễn và ngâm được bộ đội rất khen ngợi. Cũng từ đó, tập thể phát hiện tôi làm nhiều thơ nhớ nhà… nên đã thành danh “chòi thơ” lúc còn ở tỉnh. Nay quê hương chiến thắng lớn, lẽ nào tôi không nói được gì?. Bao nhiêu câu hỏi cứ thao thức trong tâm tưởng của tôi. Nhìn khu vừng như thấy mùa xuân vẫn đang rộn ràng trên các sân tập, những chùm hoa vừng như nụ môi son của chị em diễn viên chúm chím cười, hòa trong tiếng hát rung động cả không gian “Hoa chiến thắng đua nở khắp nơi” và “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”… Những tiết tấu sôi động cứ thôi thúc lòng tôi như “vào trận” với quê hương. Xúc động quá, tôi đặt bút viết bài ca vọng cổ: “Người mẹ bên bờ Hàm Luông”.
Tuy thời gian tập dợt rất bận rộn, bàn viết không có (chỗ ở của nữ diễn viên là những túp nhà sàn), đèn dầu le lói, chẳng thấy ai thức viết gì, nên tôi càng cố giấu việc sáng tác của mình. Ngày ngày, tôi tranh thủ buổi trưa và cuối giờ chiều ra gốc vừng căng võng, kê giấy lên chân mà viết. Viết trong hoàn cảnh như vậy mà không hiểu sao tôi viết rất nhanh. Những gì đọng trong trí nhớ cứ bật trào ra. Hình ảnh dòng Hàm Luông tháng 11-1967 (chuẩn bị bước vào tổng tấn công), bộ đội và các thứ quân đổ về ấp Phước Điền (xã Bình Khánh, Mỏ Cày Nam) ra xã Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam) chờ qua sông Hàm Luông (để về Thị xã), người đi chen chân không lọt. Bờ ruộng, bờ vườn đều bị sạt lở, lầy lội; cỏ lác bên đường, dưới ruộng bị nhấn chìm dưới muôn vạn bàn chân. Vậy mà suốt cả tháng trời vẫn không qua sông được. Tàu giặc hàn kín mặt sông. Tiếng gầm rú của các loại tàu không ngớt. Đoàn văn công tỉnh Bến Tre chúng tôi cùng hoàn cảnh ấy đã linh động tổ chức phục vụ tại chỗ, khiến cảnh ra quân càng sôi nổi hào hứng.
Không thể bó tay chần chờ khi ngày giờ tấn công sắp đến, các địa phương tổ chức đánh lạc hướng – hút địch giãn ra nơi khác. Bên cạnh các anh giao liên đưa quân “bay” qua sông, còn có các mẹ, các chị dùng ghe ngụy trang chở trấu, dừa, củi… đã lần lượt đưa hết lực lượng ta qua sông, kịp bước vào chiến dịch. Những hình ảnh ấy đã in vào tâm trí tôi, để khi hành quân băng qua Đồng Tháp, lúc dừng chân nghỉ ngơi, thả mình trên thảm cỏ, nhìn dải ngân hà vắt ngang bầu trời rộng vô cùng kia, tôi chợt nhớ dòng Hàm Luông tha thiết, thế là tôi viết:
Đêm Tháp Mười đẹp như giấc mộng
Con ngước nhìn lồng lộng dải sông Ngân
Hàm Luông yêu bỗng xích lại gần,
In bóng mẹ dưới trăng chèo khuấy nước…
Bài ca lúc đó phải viết sáu câu, viết sao cho đủ mà không trùng lắp?! Rất lo, nhưng cũng lắm tự hào vì quê hương tôi chất liệu thật phong phú. Hình ảnh rừng dừa bạt ngàn, trụ trên ba chân – là ba hòn đảo nhỏ, qua thử thách chiến tranh đã trở thành ba chiến lũy kiên cường. Nơi đây đã sản sinh những con người bất khuất từ ngọn tầm vông, súng bập dừa… đứng lên đánh lại kẻ thù thất điên bát đảo. Người mẹ Bến Tre tượng trưng cho lòng nhân hậu thủy chung, sự dũng cảm hy sinh… đã thắp sáng ngọn lửa chân lý một niềm tin bất diệt. Tôi viết: “Rào gai, xích sắt có thể giam được ruộng đồng, cây lá, nhưng làm sao giam được trái tim người. Giặc đâu biết ngọn lửa hờn Đồng Khởi năm xưa cũng từ triệu con tim im lặng không lời” và “Gươm súng bạo tàn càng gói chặt thủy chung, đường cách mạng vẫn thênh thang giữa lòng dân ta đó…”.
Kết bài tôi viết bốn câu thơ:
Hàm Luông sóng vỗ chập chùng,
Reo vang bản nhạc oai hùng quê ta.
Chào mừng đất nước nở hoa,
Mẹ ơi! Tình mẹ như ánh trăng ngà đêm nay.
Viết xong bài “Người mẹ bên bờ Hàm Luông”, tôi viết tiếp bài “Đất nước quê hương” (qua 20 câu xàng xê). Với làn điệu hùng tráng, khỏe mạnh, toát lên thế đứng uy nghi của vùng đất và người Bến Tre chiến thắng.
Hai bài ca được Ban lãnh đạo Đoàn và nhạc sĩ Lan Phong khen ngợi, chọn làm tiết mục biểu diễn của Đoàn và chẳng lâu sau, Đài phát thanh Giải phóng về thu thanh, phát đi khắp nơi. Có lần biểu diễn cho cán bộ cấp cao ở rừng miền Đông, tôi ca bài “Người mẹ bên bờ Hàm Luông” rất đạt. Đến lúc nghỉ giảo lao, ông Nguyễn Văn Trung (Trưởng Ban An ninh khu 8, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) đã vào bên trong gặp đồng chí Đoàn Tứ - Trưởng đoàn Đồng Tháp, hỏi: “Cháu Thu Vân viết bài ca đó hay ai viết dùm”. Ông Hai Trung còn nói: “Mấy ổng hỏi nhao nhao ở ngoải”. Ông vỗ đầu tôi, khen: “Cháu giỏi lắm, cố gắng lên!”. Lần khác, tôi biểu diễn ở căn cứ khu 8, thì sáng hôm sau có anh bộ đội cầm phong thư đến tìm tôi. Ngoài bì thư đề: Chú Lê Minh Đào gởi cháu Thu Vân (chú Lê Minh Đào là Tỉnh đội trưởng tỉnh Bến Tre).
Tôi mở thư ra, thấy bên trong có chai dầu thơm vuông nhỏ. Thư chú Ba Đào viết ngắn, trong đó có câu: “Quà của đồng bào Thị xã tặng chú, nay chú tưởng thưởng tác phẩm “Người mẹ bên bờ Hàm Luông”. Tôi xúc động nghẹn ngào, cầm chai dầu trên tay thấy ấm áp tình thương của quê hương dành cho mình quá lớn.
Nhiều năm trôi qua, bài ca vẫn sống trong lòng công chúng, trong các lực lượng bộ đội, tuy phần lớn họ đã nghỉ hưu. Khoảng năm 2003, tôi cùng Công an Mỏ Cày về công tác ở xã Thành Thới B (Mỏ Cày Nam), đồng chí Thượng tá Ba Thành (Trưởng Công an huyện Mỏ Cày) giới thiệu về tôi. Chợt có anh thương binh cụt một tay, là bí thư ấp, có vẻ xúc động lắm, bước tới nắm chặt tay tôi bằng bàn tay còn lại của anh: “Thu Vân – tác giả bài ca “Người nẹ bên bờ Hàm Luông phải không?”. Tôi gật đầu: “Dạ phải”. Anh kể, trong kháng chiến, anh là Bộ đội Sư 9 miền Đông, nghe bài ca rất hay. Vì không có máy ghi âm, các anh đã phân công nhau mỗi người cố nhớ một đoạn rồi ráp lại. Anh nói: “Để tôi ca cho Thu Vân nghe nghen. Mà thôi, tôi ca dở, để về nhà tôi chép lại gởi cho Thu Vân coi cách học bài ca của bộ đội…”. Mấy ngày sau nhận được thư – bài ca của tôi, đầy đủ sáu câu, tôi đọc mà nước mắt cứ ứa ra.
Lần khác, có anh hiệu trưởng trường Đảng - tỉnh Đồng Tháp (không quen biết) đã gọi tôi và ca qua điện thoại di động bài ca “Người mẹ bên bờ Hàm Luông” khiến tôi rất bất ngờ.
Mảnh đất mà gia đình tôi đang sinh sống (phường 6, TP Bến Tre) là do anh Ba Hồng - Bộ đội miền Đông nghe bài ca ấy, đến ngày giải phóng, anh đi tìm tôi, sau đó, nhường cho vợ chồng tôi một công đất để ở. Và tháng 3-2010 vừa qua, có anh Việt kiều Úc đã nhờ bạn bè tìm đến nhà tôi, chỉ để xin bài ca “Người mẹ bên bờ Hàm Luông” (mà phải là bản sáu câu) để mang đi cho bà con Việt kiều bên ấy. Còn nhiều nữa, những người xa gần gặp tôi thì nhắc: “Đêm Tháp Mười đẹp như giấc mộng…”, tôi xúc động - thầm cảm ơn mọi người lắm lắm!
Năm 2007, do yêu cầu của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, tôi rút ngắn bài ca “Người mẹ bên bờ Hàm Luông” còn bốn câu và nghệ sĩ Thanh Kim Huệ ca diễn qua làn sóng đến với công chúng, hoàn chỉnh, tròn trịa hơn.
Bây giờ, mỗi lần nghe lại bài ca, lòng tôi nao nao nhớ về kỷ niệm thân thương ở khu vừng và trỗi dậy trong ký ức một thời kháng chiến oanh liệt của quê hương về dòng Hàm Luông, với những người mẹ anh hùng lặng lẽ tay chèo làm nên chiến thắng. Cám ơn nhạc sĩ Lan Phong đã thổi hồn quê, hun đúc cho Thu Vân mạnh dạn sáng tác. Cám ơn tập thể và ban lãnh đạo Đoàn văn công Đồng Tháp – Tuyên huấn Khu 8 đã đón nhận, nâng niu - tạo điều kiện để tác phẩm “Người mẹ bên bờ Hàm Luông” được đến với mọi người, làm động lực động viên Thu Vân sáng tác đến ngày nay.
Cuối tháng 5-2010.