Tập trung Phục hồi, phát triển kinh tế tỉnh nhà, bài 1:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp so với mục tiêu

04/05/2022 - 05:37

BDK - Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong quý I-2022 của tỉnh đạt 1,64%. Đây là mức tăng trưởng khá thấp so với mục tiêu của tỉnh đặt ra trên 8%/năm và thấp so với bình quân của khu vực và cả nước (xếp thứ 11/13 so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và 58/63 tỉnh, thành trong cả nước). Tuy nhiên, theo ước tính của tỉnh là tăng trưởng trên 6%. Sự chênh lệch khá xa giữa số liệu ước tính của tỉnh và của Tổng cục Thống kê công bố là vấn đề rất đáng quan tâm, cần rà soát, tính toán kỹ để có giải pháp ổn định, tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới.

Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu  trái cây Chánh Thu.

Thực trạng nguyên nhân

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I-2022 đạt thấp được xác định là do tăng trưởng khu vực I: nông lâm thủy sản âm 0,61%, trong đó nông nghiệp âm 3,35%, lâm nghiệp âm 0,04%, thuế sản phẩm âm 3,12%. Trong khi khu vực II là công nghiệp, xây dựng và khu vực III là thương mại, dịch vụ, du lịch có tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn (khu vực II tăng 4,75%, khu vực III tăng 2,54%).

Trong những tháng đầu năm 2022, bên cạnh những thuận lợi thì tỉnh cũng gặp phải những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Nhất là tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 chưa có sự đột phá. Giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí đầu vào tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân.

Theo Cục Thống kê, số liệu thống kê trong quý I-2022 do Chi cục Thống kê phối hợp với các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn. Tuy nhiên, việc điều tra, thu thập số liệu đầu vào còn gặp khó khăn. Trong đó, có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh, DN còn e dè trong cung cấp thông tin đầy đủ cho thống kê, nhất là về doanh thu, lợi nhuận. Thời gian tới, Cục Thống kê sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị điều tra cũng như tăng cường lực lượng điều tra viên để thu thập số liệu được đầy đủ, chính xác.

Nếu như năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn, ảnh hưởng toàn diện đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng nông nghiệp tăng trưởng trên 3%, góp phần quan trọng vào tăng trưởng dương của cả tỉnh, khẳng định là vai trò “trụ đỡ” cho kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, bước sang quý I-2022, điều kiện dịch bệnh kéo giảm, sản xuất có phục hồi nhưng kết quả nông nghiệp lại tăng trưởng âm là vấn đề cần được đánh giá, phân tích thật thấu đáo.

Cục Thống kê cho rằng, do khuyến cáo ngành nông nghiệp, vụ Đông Xuân không xuống giống sản xuất lúa nên ảnh hưởng đến giá trị sản xuất chung của ngành. Mặt khác là tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Giá đầu vào như: phân bón, thức ăn tăng cao trong khi giá đầu ra lại giảm.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Buội cho biết, nông nghiệp giảm có nguyên nhân do diện tích sản xuất giảm. Phần do đặc thù của ngành chăn nuôi, thời điểm đầu năm chưa thể thống kê tổng đàn. Theo lệ thường, trong 3 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp chưa tính được hết kết quả, vì thế số liệu thống kê được là khá thấp, tuy nhiên có khả năng phục hồi tốt trong quý II-2022.

Tình hình tiêu thụ dừa xiêm và dừa nguyên liệu công nghiệp trong đầu năm cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu dừa xiêm sang Mỹ đang gặp vấn đề lớn về rào cản và chi phí vận chuyển tăng cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với bình thường. Để duy trì quan hệ với đối tác cũng như mở rộng thị trường để tìm cơ hội, các DN xuất khẩu dừa uống nước đang đối mặt với thách thức rất lớn. Bên cạnh giá dừa khô đang giảm sâu, hoạt động xuất khẩu chỉ xơ dừa cũng gặp khó, ảnh hưởng trực tiếp đến giá dừa nguyên liệu.

Một số giải pháp

“Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương tăng cường quan tâm để ổn định vùng sản xuất dừa (dừa khô và dừa xiêm). Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ vốn cho DN xuất khẩu tiếp cận nguồn vốn. Riêng về phát triển chuỗi con heo, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Bến Tre để thực hiện trong thời gian tới…”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho hay.

Đối với ngành nông nghiệp, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội cho biết: Tỉnh sẽ tập trung việc quản lý nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất; quản lý sâu đầu đen hại dừa, các bệnh gia súc như: dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đồng thời, sở tiếp tục đẩy mạnh liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã và DN đối với các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Bởi nếu không tổ chức được thì sẽ tái diễn điệp khúc được mùa mất giá. Tập trung phát triển mạnh mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại 3 huyện biển. Khẩn trương xây dựng mã vùng trồng đối với các loại cây ăn trái đặc sản, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc - điều kiện xuất khẩu nông sản…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chỉ đạo, trong quý II-2022, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận và Dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2. Quyết tâm hoàn thành Dự thảo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận, hoàn thiện Cụm công nghiệp Long Phước và Phong Nẫm để kêu gọi đầu tư, tạo động lực thúc đẩy đột phá tỉnh nhà trong những năm tiếp theo.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. Xác định việc đẩy mạnh giải ngân là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt các giải pháp để sản xuất an toàn, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đã xác định. Quản lý chặt chẽ, sử dụng đất có hiệu quả, đúng mục đích trên địa bàn.

Quý I-2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng một số lĩnh vực có dấu hiệu tăng trưởng khá nổi bật như: Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 7%. Giải ngân vốn đầu tư công tăng gần 6% so với cùng kỳ và tiến độ thu ngân sách khá tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,16%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư toàn xã hội đạt kết quả tích cực…

UBND tỉnh xác định từ tháng 1-2022 là khởi đầu giai đoạn bình thường mới và bắt đầu quá trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch số  5782 của UBND tỉnh ngày 23-9-2021 về “Phục hồi, phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022”).

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN