Bà Huỳnh Thị Nhịn thu hoạch rau muống sạch.
Tận dụng phụ phẩm khí sinh học trong sản xuất nông nghiệp của nông dân ở ấp An Bình 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri không chỉ giúp môi trường không còn ô nhiễm, tiết kiệm nhiên liệu trong sinh hoạt mà còn phát triển được vườn rau hữu cơ, mang lại giá trị kinh tế ổn định cho gia đình. Nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững nhờ chăn nuôi và trồng trọt ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Bảo vệ môi trường
Tổ hợp tác (THT) rau hữu cơ Hữu Nhiên gồm 16 thành viên ở ấp An Bình 2 thành lập và đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2017. THT liên kết với Công ty Quảng Tín (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty Việt Tâm (xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri) hợp đồng tiêu thụ rau sạch các loại như: rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải thìa… chủ yếu ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, TP. Bến Tre. Ông Mạc Văn Hoàng, cán bộ khuyến nông xã An Hòa Tây đồng thời là tổ trưởng THT cho biết: “Quy mô của tổ gần 12,5 ngàn mét vuông, mỗi ngày tổ thu hoạch từ các hộ thành viên bán cho công ty 140 - 150kg rau, củ, quả sạch”.
Điểm chung của THT là 16 hộ thành viên đều lắp đặt mô hình khí sinh học và tận dụng nước xả làm phân bón cho vườn rau hữu cơ. Nước xả là một trong 3 sản phẩm của quá trình phân giải cơ chất từ hệ thống khí sinh học, được xả ra khỏi bể phân giải. Phần này có vai trò như chất hữu cơ, khi sử dụng bón cho cây trồng không những cung cấp chất dinh dưỡng cho cây mà còn góp phần tăng hoạt động của hệ vi sinh vật, tăng cường và duy trì độ phì nhiêu của đất, làm đất tơi xốp hơn, tăng năng suất cây trồng.
Điều đầu tiên có thể nhận thấy khi đến nhà của các thành viên trong THT là không có mùi hôi của chất thải chăn nuôi. Nhà ông Hoàng nuôi 7 con bò, nước thải dội chuồng được dẫn xuống hệ thống bể phân giải 16m3 để xử lý. Hay tại nhà bà Huỳnh Thị Nhịn, cũng ở ấp An Bình 2, dù nuôi 10 con bò và gần 10 con dê của hộ con trai bà ở cạnh bên nhưng có lắp đặt hệ thống khí sinh học nên vệ sinh môi trường cũng được đảm bảo. Bà Nhịn kể: “Lúc trước, nước dội chuồng chảy lênh láng ra vườn, không có chỗ thoát, bốc mùi không chịu nổi. Từ ngày lắp đặt hệ thống khí sinh học, tình trạng này không còn nữa”.
Tiết kiệm chi phí sản xuất
Ông Hoàng cho biết, các thành viên trong THT đều trộn nước xả vào hỗn hợp phân chuồng, vôi, nấm Trichoderma rồi ủ hoai trong thời gian 3 - 6 tháng sau đó mới bón cho rau. Trong hỗn hợp phân ủ, họ thường trộn thêm phân cá để tăng hàm lượng dinh dưỡng.
Các luống rau cải xanh tươi của THT hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học được công ty luân phiên thu hoạch lần lượt ở các hộ thành viên mỗi ngày, sau đó đưa về khu sơ chế đặt tại nhà ông Hoàng để nhặt sạch, đóng gói và vận chuyển đi tiêu thụ. “THT sản xuất rau hữu cơ theo đặt hàng của công ty nên đầu ra đảm bảo ổn định, được công ty bao tiêu, các loại rau ăn lá trung bình 17 ngàn đồng/kg, củ quả trung bình 14 ngàn đồng/kg” - ông Hoàng cho biết thêm.
Đến tham quan vườn rau hữu cơ của hộ bà Huỳnh Thị Nhịn, chúng tôi nhận được tin vui là gia đình bà đã thoát nghèo. Bà Nhịn phấn khởi chia sẻ: “Lúc trước trồng màu bình thường, bán ra không được giá, còn bị sâu bệnh, thu nhập bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng rau sạch, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn trước. Lượng rau bán ra cho công ty mỗi ngày cũng được khoảng 200 ngàn đồng”.
Chưa kể sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu trong sinh hoạt cũng giúp tiết kiệm chi phí chất đốt như dầu, gas. Nhà ông Hoàng ngoài nấu ăn, sinh hoạt trong nhà còn duy trì hoạt động cho nhà sơ chế rau sạch và duy trì 2 lò kháp rượu nếp được khoảng 20 lít rượu mỗi ngày đều dùng khí sinh học. Hay hệ thống khí sinh học cung cấp nhiên liệu phục vụ sinh hoạt thoải mái cho hộ nhà bà Nhịn với 9 nhân khẩu. “Thấy mình làm có hiệu quả, nhiều người trong ấp, trong xã cũng hỏi thăm để làm, tôi cũng mạnh dạn chỉ cho họ để mọi người cũng có thể cải thiện cuộc sống gia đình”, bà Nhịn vui vẻ nói.
Bài, ảnh: Thanh Đồng