Căn cứ Công văn số 1844/UBND-VHXH ngày 26-4-2012 của UBND tỉnh Bến Tre về việc phê duyệt Kế hoạch số 28/KH-SLĐTBXH ngày 11-4-2012 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chương trình quốc gia bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2012, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân về Luật Bình đẳng giới và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 để mọi người biết và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ phân biệt đối xử về giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Huy động được nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng tham gia, đồng thời thực hiện đúng quy định thể lệ cuộc thi, thời gian và chất lượng cuộc thi, đảm bảo an toàn, tiết kiệm trong cuộc thi.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ THỂ LỆ CUỘC THI:
1. Đối tượng dự thi:
Mỗi huyện thành lập 1 đội tham gia cuộc thi, gồm từ 5 đến 7 người, có cả nam và nữ với thành phần chủ yếu là: cán bộ, công chức, viên chức và hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
2. Nội dung:
Tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007;
Nghị định số 70/2008 ngày 4-6-2008 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới;
Nghị định số 55/2009 ngày 10-6-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.
3. Hình thức tổ chức và thể lệ cuộc thi:
a) Vòng sơ kết:
Mỗi đội tham gia dự thi phải thực hiện đầy đủ các nội dung thi như sau:
+ Trắc nghiệm: 30 câu hỏi;
+ Tình huống: mỗi đội dự thi chọn 1 trong 2 tình huống để giải đáp;
+ Viết 1 bài bình luận về đề tài bình đẳng giới, dài không quá 2 trang giấy A4.
Mỗi đội dự thi thực hiện 3 phần thi trên giấy theo hình thức làm việc nhóm, thời gian thi là 90 phút, tại hội trường Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sau khi kết thúc vòng thi sơ khảo, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ chọn 5 đội có thành tích cao nhất tham dự vòng thi chung kết.
b) Vòng chung kết: 5 đội dự thi vào chung kết phải tham gia 3 phần thi:
+ Phần hùng biện: mỗi đội cử một người tham gia thi hùng biện tuyên truyền về “Luật Bình đẳng giới” trên cơ sở đề cương được chuẩn bị trước và gửi cho Ban tổ chức trước 10 ngày diễn ra cuộc thi. Thời gian hùng biện không quá 7 phút, có thể sử dụng thêm tài liệu, hình ảnh phụ họa để tăng thêm hiệu quả tuyên truyền.
+ Phần trả lời câu hỏi: mỗi đội cử một người bắt thăm ngẫu nhiên 1 câu hỏi về bình đẳng giới và cử 1 người trả lời. Thời gian chuẩn bị và trả lời không quá 5 phút.
+ Thi tiểu phẩm: mỗi đội dự thi phải tự biên, tự diễn một tiểu phẩm của đội mình trong thời gian 10 phút trên sân khấu. Nội dung tiểu phẩm có liên quan đến quy định của pháp luật về bình đẳng giới.
Địa điểm: Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh Bến Tre.
c) Quy định biểu điểm cho các phần thi:
* Vòng Sơ kết:
+ Trắc nghiệm: 30 câu, mỗi câu trả lời đúng được tính 2 điểm.
+ Tình huống: điểm tối đa là 10 điểm.
+ Viết bài bình luận: điểm tối đa là 20 điểm.
* Vòng chung kết:
+ Phần điểm hùng biện: thang điểm 10, hệ số 2 (10 x 2).
+ Phần điểm trả lời câu hỏi: thang điểm 10, hệ số 1 (10 x 1).
+ Phần điểm năng khiếu: thang điểm 10, hệ số 1 (10 x 1).
d) Thời gian tổ chức:
Thời gian triển khai kế hoạch, phát động cuộc thi đến các cơ quan, đơn vị ở các huyện, thành phố: đến hết tháng 6-2012.
Từ tháng 7 đến tháng 8-2012: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phát động cuộc thi rộng rãi trên địa bàn huyện. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị thành lập các đội dự thi và hướng dẫn các đội tham gia dự thi đúng nội dung, thời gian yêu cầu của kế hoạch.
Thời gian tổ chức thi sơ kết và chung kết cuộc thi ,dự kiến tổ chức 1 ngày vào cuối tháng 9-2012 (thời gian cụ thể sẽ thông báo sau).
đ) Cơ cấu giải thưởng:
+ 1 giải nhất: 4.000.000 đồng;
+ 1 giải nhì: 2.500.000 đồng;
+ 1 giải ba: 1.500.000 đồng;
+ 2 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 500.000 đồng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Ban Tổ chức cuộc thi:
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Trưởng ban;
Mời lãnh đạo các sở, ngành có liên quan tham gia Ban Tổ chức cuộc thi:
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phó Trưởng ban;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: thành viên;
- Sở Tư pháp: thành viên;
- Sở Thông tin và Truyền thông: thành viên;
- Sở Giáo dục và Đào tạo: thành viên;
- Sở Nội vụ: thành viên.
2. Ban Giám khảo:
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Trưởng Ban Giám khảo;
Mời lãnh đạo các sở, ngành có liên quan làm thành viên Ban Giám khảo.
3. Phối hợp thực hiện:
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phát động cuộc thi đến các xã, phường, thị trấn trong huyện. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn thành lập các đội tham gia dự thi theo nội dung, thời gian yêu cầu của kế hoạch.
- Văn phòng tham mưu giúp Ban Giám đốc Sở thành lập Tổ giúp việc cho Ban Tổ chức cuộc thi; phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ sở biên soạn đề thi; dự trù kinh phí cuộc thi và quyết toán theo quy định; hỗ trợ kinh phí ăn, nghỉ cho các đội dự thi; liên hệ với Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh Truyền hình phát động cuộc thi, đưa tin, hình ảnh về cuộc thi.
- Phòng Kế hoạch Tài chính căn cứ vào kinh phí Chương trình quốc gia bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được UBND tỉnh phê duyệt, tham mưu cho Ban Giám đốc Sở giải quyết kinh phí tổ chức cuộc thi, khen thưởng các đội có thành tích xuất sắc trong cuộc thi.