BDK - Tỉnh là địa phương khởi động Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đến tháng 10-2024, tỉnh có 316 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 159 chủ thể. Trong đó, có 252 sản phẩm 3 sao, 59 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 5 sao. Các sản phẩm OCOP từng bước khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tâm Dân, TP. Bến Tre trưng bày sản phẩm OCOP, tại TP. Bến Tre.
316 sản phẩm OCOP
Các sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ trưng bày, giới thiệu thường xuyên trong các hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại của Trung ương tổ chức, quảng bá ứng dụng công nghệ thông tin như Lazada, hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh tại Siêu thị Big C An Lạc - TP. Hồ Chí Minh...
Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO), huyện Mỏ Cày Bắc, là một trong những doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo và quan tâm xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, với ý nghĩa khẳng định giá trị sản phẩm trên thị trường và hướng đến xây dựng thương hiệu trong nước và quốc tế. Theo ông Trần Văn Đức - Giám đốc BEINCO, công ty có 7 dòng sản phẩm từ dừa, trong đó đã xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP như: nước dừa đậm đặc, nước cốt dừa, creamer dừa béo đặc.
Nhiều hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) của các địa phương đã xây dựng thành công các sản phẩm OCOP tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên như: HTX Nông nghiệp Tân Phú, HTX Bưởi da xanh Bến Tre, HTX Nông nghiệp Giồng Trôm, HTX Lúa - tôm Thạnh Phú, HTX Nông nghiệp Phú Ngãi… Các sản phẩm OCOP như bưởi da xanh, nước ép bưởi, sầu riêng, gạo, các sản phẩm từ dừa…
Để đạt được kết quả trên, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3003/KH-UBND ngày 1-6-2021 để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU. Tỉnh đã xác định 6 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: dừa, cây ăn trái chủ lực (bưởi, cây ăn trái khác), cây giống - hoa kiểng, bò, heo và tôm.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Tiến Sĩ cho biết, thời gian qua, nhằm thực hiện các chủ trương và kế hoạch hành động của tỉnh, Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng 9 kế hoạch để hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm làm cơ sở cung cấp vùng nguyên liệu địa phương cho các sản phẩm OCOP như: dừa, bưởi, lúa, cây giống và hoa kiểng, cây ăn trái khác, bò, heo…
Hướng đi mới cho nông sản
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Tiến Sĩ cho hay, thời gian tới cần tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 07-NQ/TU, gắn với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các ngành, các cấp, các địa phương tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân.
Xác định phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách của địa phương. Tập trung củng cố, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tuyên truyền bằng hành động, mô hình thiết thực.
Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp và quy hoạch dân cư, phù hợp lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản; chú trọng nâng cao hiệu quả, lợi ích giữa các tác nhân, các khâu trong chuỗi; tạo ra sự khác biệt về lợi ích của nông hộ, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị. Mỗi địa phương cần chủ động xác định sản phẩm chủ lực để phát triển chuỗi giá trị và nâng cao năng suất nông nghiệp.
Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh. Xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu. Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP... tại các HTX nông nghiệp để mở rộng vùng nguyên liệu sạch, đạt chứng nhận phục vụ nhu cầu phát triển thị trường, nhất là cho thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ. Tiếp tục xây dựng hệ thống nhận diện địa phương, nhận diện thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất, canh tác. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, tiết kiệm, an toàn.
Chương trình OCOP tỉnh đang từng bước mở ra hướng đi mới cho nông sản và hàng hóa địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiệu quả chương trình giúp phát huy lợi thế địa phương, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo dựng thương hiệu bền vững cho nông sản Bến Tre.
OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng. Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, cả nước có hơn 13 ngàn sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của hơn 7 ngàn chủ thể. Trong đó, có HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh và THT.