Tỉnh ghi nhận 17 ca dương tính với vi-rút sởi 

05/07/2024 - 10:54

BDK.VN - Tính đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 28 ca sốt phát ban nghi sởi xuất hiện tại 20 xã, phường, trong đó có 17 ca dương tính với vi-rút sởi. Các ca có độ tuổi từ 3 tháng đến 32 tuổi. Trên 90% trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi chưa được tiêm vắc-xin sởi.

Ngành y tế khuyến cáo chủ động tiêm vắc-xin sởi để chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lưu hành phổ biến ở trẻ em, xuất hiện quanh năm có khả năng bùng phát thành dịch. Năm 2014, đại dịch sởi tấn công Việt Nam, đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Đường lây truyền của bệnh sởi chủ yếu bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin sởi khi tiếp xúc với mầm bệnh đều có khả năng mắc bệnh sởi. Chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh sởi trong cộng đồng khi tỷ lệ tiêm phòng sởi ở trẻ em đạt được > 95% .

Ngành y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin sởi vì đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ em cần được tiêm 2 mũi, mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Cùng với tiêm vắc-xin, cần lưu ý vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật sạch sẽ.

Khi mắc bệnh sởi trẻ em cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng, tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ để tránh mắc bệnh kèm theo do suy giảm miễn dịch như: viêm phổi, tiêu chảy... Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho, chảy nước mũi.

Tin, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN