|
Phấn khởi mùa thu hoạch chôm chôm tại xã Tiên Long (Châu Thành). |
Tin vui cho hầu hết nhà vườn là các loại trái cây Việt hiện đang dần chiếm được lòng tin của số đông người tiêu dùng. Đây là cơ hội để trái cây trong tỉnh nói riêng và trong nước nói chung nâng cao vị thế trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ra chợ tỉnh…
Ở các gian hàng trái cây tại chợ Phường 3 (TP. Bến Tre, hàng nội đã dần xuất hiện để thay thế trái cây ngoại nhập. Có thể kể đến một số loại trái cây “ta” đang rất thịnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, như: bòn bon, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, bưởi, hồng Đà Lạt, thanh long… Các loại trái cây quen thuộc và bình dân cũng được nhà vườn nâng niu chăm sóc và mang ra chợ bán ngày càng nhiều hơn, như: cóc, ổi, xoài, cam, quýt, chanh, mãng cầu, mận, nhãn. Một số mặt hàng nhập như: nho, lê, táo, lựu tuy vẫn còn được bày bán tại một số gian hàng lớn, nhưng sức mua đã giảm đáng kể. Vì thế, số lượng hàng nhập khẩu trưng bày cũng đã giảm hẳn so với trước đây. Trái cây nhập khẩu chỉ được mua để làm quà biếu. Hầu hết người dân địa phương cũng đã chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi, trái cây “ta” đang sản xuất theo hướng sạch hơn thông qua việc đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa rộng rãi và chuyển biến thành ý thức, hành động của người dân. Hành động đó là người Việt ưu tiên dùng trái cây Việt. Chủ một sạp trái cây tại chợ Phường 3 cho biết, bà là một trong những người bán nhiều trái cây nhập từ Trung Quốc, Mỹ, nhưng thời gian gần đây sức mua đối với những loại trái cây ngoại nhập đã giảm hơn phân nửa. Mỗi ngày chỉ bán được 1kg bom, lê là nhiều. Đặc biệt, nho ngoại nhập bán rất chậm. Vào các ngày lễ cúng, người dân địa phương thường mua thanh long, mãng cầu, bưởi được mang từ trong vườn ra bán. Chị Bảy, một người bán trái cây tại chợ cùng nhận định: Người đi chợ bây giờ dè dặt hơn, họ phải tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của trái cây. Họ chỉ ăn trái cây vườn thôi, chứ nghe nói của nước ngoài là ngán ngẫm vì sợ ăn nhầm trái cây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, hoặc thuốc bảo quản gì đó rồi rước bệnh vào thân thì rất nguy hiểm.
Vào vườn cây trái…
Các nhà vườn trồng chôm chôm tại ấp Tiên Phú 1 (xã Tiên Long - Châu Thành) hiện rõ niềm phấn khởi. Hoạt động thu hoạch, mua bán, vận chuyển chôm chôm tại đây rất nhộn nhịp. Bởi so với thời điểm này năm ngoái, chôm chôm thường (Java) chỉ có giá từ 1.000-2.000 đồng/kg, nhưng mùa này lên đến 9.000-10.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại chôm chôm nhãn có giá 15.000-17.000 đồng/kg, chôm chôm Thái có giá 23.000-25.000 đồng/kg. Từ mấy năm nay, chôm chôm đã được các nhà vườn áp dụng kỹ thuật cho trái theo kế hoạch. Đây cũng là một bí quyết để chôm chôm Bến Tre xuất hiện trên thị trường quanh năm, đặc biệt là vào các thời điểm có thể bán với giá cao. Anh Nguyễn Hữu Tâm - Tổ hợp tác chôm chôm Tiên Phú (xã Tiên Long) “bật mí”: Tin vui cho nhà vườn trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP, có gia nhập Tổ hợp tác, là khoảng một, hai tháng nữa, khi thị trường nước ngoài đã hết loại trái cây này, Tổ hợp tác Bến Tre sẽ có cơ hội xuất khẩu với giá ít nhất 40.000 đồng/kg. Anh Đàm Văn Hưng - Giám đốc Công ty bưởi da xanh Hương Miền Tây cũng vui cùng niềm vui của nông dân vào vụ bưởi năm nay: “Vào thời điểm này năm ngoái, giá bưởi là 22.000 đồng/kg thì nay đã lên đến 29.000 đồng/kg. Hiện công ty chỉ lo rằng số lượng bưởi không đủ để xuất khẩu theo hợp đồng của các nước”.
Được sự ưu ái cao của người tiêu dùng, sản phẩm hút hàng, đầu ra ổn định đã góp phần ổn định giá cả nhiều mặt hàng trái cây nội. Cóc loại 4 trái/kg giá 20.000 đồng/kg, bòn bon loại ngọt 35.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu 30.000-40.000 đồng/kg, mận An Phước 25.000 đồng/kg, hồng Đà Lạt 30.000 đồng/kg, nhãn I-dor 30.000 đồng/kg, thanh long (nửa kg/trái) 20.000 đồng/kg, cam xoàn 30.000-40.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, Bến Tre không chỉ có bưởi, chôm chôm, nhãn tiêu quế được xuất khẩu mà nhiều loại trái vườn rất đỗi bình dân như mít, xoài, ổi… cũng được một số đối tác nước ngoài tìm kiếm và bước đầu tiêu thụ với số lượng cao.