Tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Thành
27/09/2024 - 05:32
BDK - Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trên địa bàn huyện Châu Thành đã tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Huyện luôn quan tâm, xem TDCSXH là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và công tác an sinh xã hội.
Mô hình nuôi bò sinh sản ở xã Phú Đức, huyện Châu Thành.
Châu Thành là huyện cửa ngõ của tỉnh, có diện tích tự nhiên khoảng 225km2 với dân số khoảng 177 ngàn người. Huyện có 21 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 2 thị trấn. Đến nay, huyện có 18/19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó, có 4 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và đang tập trung xây dựng 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, phấn đấu đạt tiêu chí huyện NTM vào năm 2025. Kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp và một phần là phát triển du lịch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 85 triệu đồng/người/năm. Theo số liệu rà soát cuối năm 2023, huyện còn 846 hộ nghèo (tỷ lệ 1,45%), 1.050 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,8%).
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Thành Huỳnh Thanh Tuấn cho biết, ngay sau khi tiếp nhận Chỉ thị số 40-CT/TW, Huyện ủy đã cụ thể và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia huy động, tham mưu, bố trí nguồn lực thực hiện TDCSXH đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn chính đáng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (những đối tượng yếu thế trong xã hội).
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành Phan Hoàng Tuấn cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, trong những năm qua, phòng giao dịch triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCSXH đúng và phù hợp với từng đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác khi có nhu cầu vay vốn, với 14 chương trình như: cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho học sinh, sinh viên, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, chương trình cho vay hộ gia đình, thương nhân sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, nhà ở xã hội, chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho học sinh, sinh viên vay mua thiết bị học tập, chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay tín chấp đối với người chấp hành xong án phạt tù…
Đến nay, có 42.059 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ gần 937 tỷ đồng. TDCSXH giúp trên 2.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững; tạo việc làm mới cho 4.368 lượt lao động, trong đó, có 113 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; giúp 1.341 học sinh, sinh viên vay vốn học tập; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 68 căn nhà; hỗ trợ xây mới và cải tạo 8 nhà ở xã hội; xây dựng, cải tạo trên 36.000 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh nông thôn; cho vay 615 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, 6 người sử dụng lao động để trả lương cho 3.169 lượt người lao động, 51 học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến; 5 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, 11 người chấp hành xong án phạt tù.
Chất lượng tín dụng luôn được củng cố và nâng cao, phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn vốn. Đến nay, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 95%, tỷ lệ nợ quá hạn 0,19%. Nguồn vốn TDCSXH đã lan tỏa đến 100% ấp, khu phố tại địa bàn các xã, thị trấn. Đồng thời, Phòng Giao dịch huyện còn phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 350 tổ tiết kiệm và vay vốn; xây dựng 21 điểm giao dịch tại cấp xã, đưa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội về tại cấp xã để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận.
Với phương châm “cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với người nghèo, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trên địa bàn huyện tích cực tuyên truyền để sớm đưa Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống. Tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai, xây dựng các dự án sinh kế và nhân rộng các mô hình sinh kế hiệu quả giúp người nghèo tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.