Tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long: Công bố tầm nhìn liên kết phát triển bền vững

10/01/2019 - 22:17

Ngày 10-1-2019, UBND tỉnh Bến Tre đã phối hợp với UBND các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh tổ chức hội thảo “Công bố tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông (DHPĐ) đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Chủ trì hội thảo gồm có: ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Đồng Văn Lâm - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Lê Quang Trung - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long và ông Phạm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.

Ký kết 4 tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông. Ảnh: C.Trúc

8 nội dung Ký kết

Đến dự hội thảo có đại biểu của các viện, trường đại học, Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam. Các chuyên gia khách mời: GS. Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cùng các thành viên nhóm tư vấn liên kết tiểu vùng DHPĐ. Đến dự hội thảo còn có đại diện các tổ chức quốc tế: ông Martijn van de Groep - Tư vấn trưởng, Kế hoạch Phát triển ĐBSCL, Tổ chức Water.nl (Hà Lan); ông Tim MC Grath - Cố vấn kỹ thuật, Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ).

Hội thảo đã trình bày tham luận về chiến lược hiện thực hóa quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo tóm tắt Tầm nhìn chiến lược “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng DHPĐ ĐBSCL” có lồng ghép tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển logistics và giao thông vận tải cho tiểu vùng; vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết tiểu vùng DHPĐ.

Hội thảo “Công bố tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững tiểu vùng DHPĐ ĐBSCL” đã công bố tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 và định hướng chiến lược cho tiểu vùng DHPĐ. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh của 4 tỉnh tiểu vùng đã ký kết 8 nội dung liên kết đã được thông qua tại hội thảo. Đây được xem là sự kiện quan trọng và tất yếu để phát triển bền vững của Bến Tre nói riêng và của tiểu vùng DHPĐ (Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh) nói chung.

Liên kết để hành động

Theo Tầm nhìn chiến lược, 8 nội dung liên kết cụ thể gồm: phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực; kết cấu hạ tầng, giao thông thủy bộ, logistic, thủy lợi; quy hoạch vùng sản xuất; khai thác và quản lý hiệu quả tài nguyên; xúc tiến mời gọi đầu tư; xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin đề xuất cơ chế, chính sách; xây dựng các chương trình, dự án chung của tiểu vùng liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu; liên kết phát triển nguồn nhân lực.

Nhằm cụ thể hóa hơn nữa các nội dung trên để triển khai và triển khai ở đâu, như thế nào thì đòi hỏi các tỉnh phải nỗ lực hơn, kêu gọi sự hợp tác hỗ trợ tích cực từ phía các chuyên gia tư vấn và nhiều tổ chức quốc tế hơn nữa trên các lĩnh vực.

Ra mắt Ban điều hành Tiểu vùng duyên hải phía Đông. Ảnh: Cẩm trúc

Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Cái khó của Tầm nhìn chiến lược là một ý tưởng mới, việc làm mới và hoàn toàn chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có cơ chế, quy định về vấn đề này. Hoạt động liên kết hoàn toàn dựa trên khát vọng và ý chí muốn liên kết lại và thống nhất hành động.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ cho rằng, trước tác động của biến đổi khí hậu ĐBSCL nói chung và tiểu vùng nói riêng thì cần phải liên kết mới có thể đối mặt các thách thức. Hay về yếu tố thị trường, nếu quy mô càng lớn thì làm kinh tế càng thuận lợi. Như vậy, với quy mô một tỉnh hiện nay là quá nhỏ để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn.

Trong liên kết sẽ xác định sản phẩm chủ lực và vùng trồng để tập trung phát triển là điều rất quan trọng. Kế tiếp là đi vào phân vùng cụ thể, hình dung về cụm ngành nông nghiệp, khu sản xuất thì yếu tố về hạ tầng nói chung cũng cần sự liên kết. Vấn đề về cơ chế, chính sách, kể cả cách tiếp cận từng vấn đề… cũng phải mang tính đồng bộ, cùng giải pháp thống nhất.

 

Kinh nghiệm, giải pháp

Dịp này, tiểu vùng DHPĐ đã ra mắt Ban điều hành và Ký kết tầm nhìn chiến lược với 8 nội dung sẽ liên kết tiểu vùng trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng bàn giao vai trò Trưởng ban điều hành năm 2019 cho tỉnh Trà Vinh.

Ông Martijn van de Groep - Tư vấn trưởng, kế hoạch phát triển ĐBSCL, Tổ chức Water.nl chia sẻ, trong liên kết, người nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn về thị trường, thông tin, tài chính… Về liên kết thể chế, kinh nghiệm trong liên kết thể chế đồng bằng ở Hà Lan, để có liên kết thành công thì cần có luật đồng bằng. Xây dựng luật của tiểu vùng tới đây ắt sẽ mất nhiều thời gian nhưng đã có Nghị quyết số 120/2017/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần có quỹ đồng bằng, huy động tất cả các nguồn lực khác nhau. Có nhiều hình thức để huy động phục vụ phát triển chung của đồng bằng. Cần có một cơ quan, cơ chế để điều phối luật đó. Cũng như ở Hà Lan có pháp lệnh đồng bằng, quy định vai trò của cơ quan điều phối, các vấn đề khác như thế nào. “Các tỉnh nghiên cứu cách tiếp cận liên kết vùng, đầu tư xanh bền vững”, ông Martijn van de Groep khuyến nghị.

Định hướng chuyển đổi nông nghiệp trong dài hạn tập trung các ngành chủ lực là tôm thẻ, lúa đặc sản, hữu cơ chất lượng cao; phát triển các ngành nông nghiệp hướng biển phục vụ cho nông nghiệp bao gồm điện gió, các trung tâm hậu cần, vận chuyển hàng hóa đường biển…Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tiềm năng xuất khẩu nông nghiệp của tiểu vùng rất cao, nhưng giá trị thì chưa tương xứng.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc cũng đã định hướng phát triển cụ thể ở các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Theo đó, phát triển các diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh chắc ăn ở các huyện ven biển. Với tất cả các hình thức nuôi cần áp dụng quy trình chuẩn, tập trung và đồng nhất. Phát triển vùng nhuyễn thể (nghêu, sò) tập trung ở Bình Đại, Thạnh Phú (Bến Tre). Định vị Bến Tre là trung tâm nghêu giống của ĐBSCL và của cả nước. Về trồng trọt, phát triển vùng chuyên canh dừa tại Bến Tre, Trà Vinh theo hướng an toàn, có liên kết với doanh nghiệp để hướng đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa để nâng cao giá trị.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN