Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Báo cáo tại Phiên họp về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.
Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13).
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.
Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, bối cảnh và yêu cầu đặt ra khi xây dựng các phương án về bảo hiểm xã hội một lần phải bảo đảm mục tiêu kép, vừa thể chế hóa mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, vừa hài hòa quyền lợi của người lao động, phù hợp với thực tiễn và nguyên lý của bảo hiểm xã hội.
“Mặc dù hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là những phương án tối ưu, có thể chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chưa dự kiến phòng ngừa được phản ứng tập thể người lao động, song đây đang là các phương án chiếm ưu thế, nhất là Phương án 1. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với Phương án 2 để không tạo “lát cắt” giữa đối tượng tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực. Ý kiến khác đề nghị tích hợp Phương án 2 vào nhóm 2 của Phương án 1, theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ sau ngày 1-7-2025 đến 30-6-2030 thì vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo lộ trình giảm dần”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết.
Bà Nguyễn Thuý Anh cho biết thêm, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, hạn chế tối đa việc người lao động phải lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì dù lựa chọn phương án nào, Chính phủ cũng cần sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được vay vốn tín dụng theo các cơ chế, chính sách đặc thù khi gặp khó khăn; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm để duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam cần tăng cường trách nhiệm, đổi mới công tác tuyên truyền để giúp người lao động nhận thức rõ hơn các hạn chế của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Do đó, để thể chế hóa các quan điểm của Đảng, bảo đảm dân chủ, thận trọng, trách nhiệm và phát huy trí tuệ tập thể của các vị đại biểu Quốc hội trong xử lý vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Về việc thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu”, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 1-7-2024, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.
Nội dung này chưa được dự liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 6 nên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, qua nhiều lần đề nghị, ngày 15-5-2024, tại Báo cáo số 234/BC-CP, Chính phủ mới đề xuất thay “mức lương cở sở” bằng “mức tham chiếu” trong dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật đã được bổ sung giải thích thuật ngữ “Mức tham chiếu” tại khoản 12 Điều 4 và sửa đổi, bổ sung tại 14 điều, khoản khác.
Do đây là nội dung mới được đặt ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu trong dự thảo Luật, theo hướng bảo đảm tuân thủ quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Đồng thời, quy định giao Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc xây dựng và tổ chức thực hiện mức tham chiếu này đối với các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW để hài hòa với khu vực Nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm mọi người lao động khi về già có mức lương hưu đủ sống, không thấp hơn mức sống tối thiểu;
Chính phủ cần chỉ đạo việc rà soát bổ sung đầy đủ quy định điều khoản chuyển tiếp trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến “mức lương cơ sở” để ban hành hoặc trình ban hành quy định mới.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức