Tiếp tục phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững

27/11/2019 - 07:24

BDK - Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Tỉnh ủy luôn quan tâm công tác giảm nghèo thông qua các chương trình, kế hoạch… đặc biệt là Kết luận số 30 của Tỉnh ủy về Đề án (ĐA) Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 (Kết luận số 30). Qua 3 năm triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo.

Bàn giao nhà tình nghĩa, tình thương do Ngân hàng Agribank tài trợ. Ảnh: Q. Hùng

Đưa đề án đi vào cuộc sống

Trên cơ sở ĐA Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch thực hiện ĐA, chương trình khởi nghiệp thoát nghèo (KNTN), tổ chức hội nghị triển khai đến tất cả các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện ĐA và chương trình KNTN trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019 trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh xây dựng 10 kế hoạch, các văn bản hướng dẫn thực hiện ĐA và chương trình KNTN từ năm 2016 - 2019; hướng dẫn điều tra, rà soát và xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ về thực hiện ĐA, chương trình KNTN cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Tổ chức họp mặt, đối thoại trực tiếp với người nghèo, cận nghèo để nắm bắt tâm tư, nhu cầu cần hỗ trợ của các hộ tham gia ĐA và chương trình KNTN; phân công thành viên theo dõi hỗ trợ, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện.

Các sở, ngành, đoàn thể có liên quan đều xây dựng kế hoạch lồng ghép thực hiện ĐA vào nhiệm vụ của đơn vị; cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phân công các thành viên phụ trách, theo dõi, hỗ trợ thực hiện ĐA và chương trình KNTN.

Công tác tuyên truyền cũng được xác định là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao và chuyển đổi nhận thức người nghèo, người cận nghèo trong việc triển khai thực hiện ĐA. Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân, với nội dung và hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, như: tập trung tuyên truyền về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; tham vấn giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Ngoài ra, đã phát hành 8.100 sổ tay tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo, nhiều tin, bài, gương điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả; tổ chức 61 đợt truyền thông xuất khẩu lao động và 253 cuộc họp mặt, đối thoại với trên 24.908 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh tham gia.

Giảm nghèo hiệu quả

Qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 30 của Tỉnh ủy, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã hỗ trợ cho 15.655 hộ tham gia ĐA, đạt 98,72% kế hoạch. Đến nay, có 9.337 hộ được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp; 3.438 hộ sản xuất phi nông nghiệp. Hiện đã có 9.652 hộ thoát nghèo, trong đó có 6.739 hộ thoát nghèo bền vững theo 3 tiêu chí của ĐA (thỏa mãn các nhu cầu cơ bản theo tiêu chí đa chiều; thu nhập tăng và duy trì ở mức trung bình trở lên; thoát nghèo bền vững và không tái nghèo).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện ĐA vẫn còn một số hạn chế nhất định cần khắc phục, như: sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương chưa đúng mức; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo về mục đích, nội dung, ý nghĩa của ĐA một số nơi chưa sâu…

Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thực hiện ĐA trong thời gian tới, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Bé Mười cho biết: Ngoài việc thực hiện tốt các giải pháp đã được nêu trong ĐA, cần chú trọng đến công tác tuyên truyền để người dân nói chung và người nghèo nói riêng hiểu rõ về mục đích, nội dung, ý nghĩa của ĐA. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, khơi dậy khát vọng thoát nghèo. Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên trong thực hiện ĐA, nắm rõ được hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo cách thức làm ăn, phát triển sinh kế phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức hội: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh trong việc vận động, tuyên truyền người nghèo, cận nghèo tham gia thực hiện ĐA. Cần nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng các buổi họp mặt, đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo tham gia ĐA sinh kế.

Theo bà Nguyễn Thị Bé Mười, giải pháp không kém phần quan trọng trong thực hiện Kết luận số 30 của Tỉnh ủy là cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện ở các xã điểm, từ đó kịp thời nhân rộng các cách làm hay, các mô hình giảm nghèo hiệu quả cũng như khắc phục những hạn chế. Tập trung hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo.

Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 30 của Tỉnh ủy về ĐA Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 có nêu: Các cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy huyện cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện, tạo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp ủy, các ngành và người dân; chỉ đạo cấp cơ sở tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tích cực tham gia của hệ thống Mặt trận, các đoàn thể, để thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển đa dạng sinh kế, sản xuất phải gắn với thị trường, tranh thủ vận động các nguồn lực để hỗ trợ sản xuất; phát huy tốt liên kết - hợp tác theo chuỗi, hợp tác xã, OCOP…; đẩy mạnh công tác dạy nghề, đưa lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN